Pa Ủ với nỗ lực “xóa sổ nàng tiên nâu”

02:48 AM 25/11/2010 |   Lượt xem: 3074 |   In bài viết | 

Một thời “ngạt” khói thuốc nâu

Xã Pa Ủ có 458 hộ gia đình với trên 2.600 nhân khẩu sinh sống tại 12 bản, với 100% là người dân tộc La Hủ (còn có tên gọi khác là tộc người Lá Vàng, bởi ban đầu, họ chỉ sống trong những chiếc lều lợp lá bao giờ lá ngả màu vàng thì lại rời bỏ đến vùng khác săn bắn, hái lượm để sinh tồn). Với người La Hủ ở xã Pa Ủ, một năm chỉ có hai mùa: mùa no và mùa đói. Mùa đói trước đây thường kéo dài từ tháng 2 đến giữa tháng 7 khi bắt đầu ngô cho thu hoạch. Rồi cùng với sự lệ thuộc vào “nàng tiên nâu”, mùa đói mỗi năm một dài ra, có năm đến 7-8 tháng. Gần như 100% số hộ trong toàn xã thuộc diện đói nghèo, trong khi có tới trên 70% người nghiện ma túy, chiếm tới 1/2 số con nghiện của cả huyện Mường Tè. Mấy năm trở về trước, ở Pa Ủ, nhà nào cũng có bàn đèn thuốc phiện, từ người già, phụ nữ, trẻ em, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo xã cũng nghiện thuốc phiện.

Ngày nay, dù đã có nhiều đổi thay, nhưng tàn dư “Cơn lốc đen” để lại vẫn rất nặng nề. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân tới miền sơn cước này là một khung cảnh còn khá điêu tàn. Trong đó thấp thoáng vài bóng trẻ con quần áo tả tơi, thấy người lạ cứ đứng từ xa nhìn lấm lét. Thượng tá Phạm Văn Ty, Đồn trưởng đồn BP Pa Ủ, nhớ lại: “Ngày đó Pa Ủ, gia đình nào cũng có người nghiện, quanh năm đàn ông chỉ có làm một việc duy nhất là chích mủ và châm đèn. Khi rảnh rỗi họ tụ tập nhau lại uống rượu, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng...

Thời kỳ bức xúc nhất, số người hút thuốc phiện của xã lên tới trên 300 người. Nếu trừ đi một số ít người già và phụ nữ có hút thì cũng có đến 70% đàn ông trong xã ít nhiều đều sử dụng thuốc phiện. Đỉnh điểm như hồi tháng 3, tháng 4 năm 2006, tại Pa Ủ có 29 người chết. Tưởng là dịch bệnh lạ nhưng nguyên nhân dẫn đến kết cục đau lòng này là do ma tuý”. Chính loại “đặc dược” này đã làm suy kiệt sức khoẻ của những người nghiện  nặng, không còn sức đề kháng với đói rét và bệnh tật. Ma túy không chỉ bào mòn sức khoẻ và khả năng tư duy của đồng bào vùng này, mà những bao ngô, bồ thóc, gùi sắn, thậm chí ngô thóc giống, phân bón, tấm lợp... được Nhà nước trợ giúp cũng nhanh chóng thiêu rụi theo “làn khói nâu”.

Khi Biên phòng vào cuộc

Đứng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn, 100% dân số là tộc người La Hủ, những người vốn chưa quen với ý thức cộng đồng, nhiều người chỉ sống theo những hủ tục lạc hậu, phụ thuộc vào “làn khói nâu” chết người... chính là “gánh nặng”, sự thách thức lớn đối với lãnh đạo địa phương cũng như cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đồn BP Pa Ủ. Ngoài việc giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, CBCS BĐBP còn phải giúp nhân dân thay đổi nhận thức, quay lại với cuộc sống xã hội cộng đồng, từ bỏ mọi hủ tục, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí. Nhưng để làm được điều đó, việc quan trọng trước tiên là phải phá bỏ được hết cây thuốc phiện, quét sạch bọn buôn bán, tàng trữ ma túy trên địa bàn. Đồng thời với việc tổ chức phối kết hợp cai nghiện cho các đối tượng nghiện trong xã, bắt đầu từ năm 1995, cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, những người lính “quân hàm xanh” với quyết tâm tiêu diệt tận gốc loài hoa chết người và đánh bật “con ma đen” ra khỏi Pa Ủ. CBCS của đồn đã phối kết hợp với lực lượng công an xã, dân quân tự vệ thành lập những đội hàng trăm người băng suối, xé rừng truy tìm những “cánh đồng khuất”, nơi mà người dân lén lút ươm mầm loài anh túc. Theo Thượng tá Phạm Văn Ty: “Ngày nay, những cánh đồng thuốc phiện đã gần như lùi sâu vào quá khứ, nó cũng chỉ còn là ký ức buồn cho bà con nơi đây.

Tuy nhiên, chúng tôi xác định, cuộc chiến đẩy lùi ma túy là cuộc chiến cam go. Dẫu không tràn lan như trước, song, vẫn còn một số hoạt động nhỏ lẻ. Những người tái trồng cây thuốc phiện đều biết hành vi của mình là phạm pháp, nên thường chọn những khe núi sâu trong rừng già, hoặc khuất lối đi, rồi bạt cây cỏ đi để làm mảnh nương nhỏ, gieo trồng hạt giống loài cây này. Những “cánh đồng khuất” thường rất xa làng bản, xa khu dân cư, heo hút sau rừng già. Vậy nên, trước khi đi mỗi người trong đoàn đều tự túc lương thực, thực phẩm khô, mang theo chăn bạt, nồi niêu để sinh hoạt. Hành lý của ai người ấy vác, nặng sơ sơ khoảng hơn 10kg trên lưng. Đường xa dốc thẳm, ai cũng phải có dao đi rừng và một cây gậy ngắn, vừa dùng để chống, vừa để mở đường lên “vùng cấm” đó”. Rồi, cứ mỗi mùa cây thuốc phiện sinh trưởng và cho nhựa, đoàn người lại lên đường, ở trong rừng sâu cả tuần lễ. Cứ sáng đi trưa nghỉ, rồi lại chiều đi tối nghỉ, dừng ở đâu thì nấu ăn và làm lều lán tạm ngủ, nghỉ tại đấy... Cứ như vậy, những bước chân không mỏi đã len lỏi khắp những cánh rừng để triệt tận gốc loài hoa chết người.

Bên cạnh đó, cấp ủy chỉ huy đồn BP Pa Ủ đã tiến hành thành lập các tổ từ 3 đến 5 người thực hiện “bốn cùng”; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và nói tiếng địa phương với bà con trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2008, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu, Ban chỉ huy đồn BP Pa Ủ tổ chức cai nghiện cho các đối tượng trên địa bàn ngay tại đơn vị. Với quyết tâm “xắn tay” làm đến cùng, năm qua, CBCS đồn BP Pa Ủ đã tiến hành 5 đợt khảo sát, lùng sục các điểm cao, khe sâu trong địa bàn, phát hiện và tổ chức cùng nhân dân phá nhổ được 3.200m2 nương thuốc phiện tái trồng.

Theo lãnh đạo đồn BP Pa Ủ, một tín hiệu đáng mừng là bây giờ bà con không còn thái độ chống đối lực lượng chức năng mà rất hăng hái tham gia cùng các tổ đội nhằm triệt phá tận gốc loài hoa đẹp có hương vị chết người này. Phần lớn cánh đàn ông La Hủ ở Pa Ủ không còn vật vờ “phê” thuốc nữa, mắt họ đã bắt đầu sáng lên niềm tin vào cuộc sống, vào những người thầy giáo, thầy thuốc “quân hàm xanh”. Chính những người thầy đeo quân hàm xanh luôn sát bên họ mọi lúc mọi nơi đã giúp họ không còn màng tới “nàng tiên nâu”.

Pa Ủ, một xã với gần 100% dân số đói nghèo, nay đã giảm được trên gần 50% con số đó. Dẫu việc xóa nghèo còn chậm, nhưng khi không còn ma túy, Pa Ủ sẽ tự khoác lên mình một sức sống mới.

Lê Tuấn (Theo Báo Biên phòng)