Hỗ trợ phát triển sản xuất ở huyện Sông Hinh (Phú Yên): Người dân được trao quyền

02:48 AM 25/11/2010 |   Lượt xem: 2313 |   In bài viết | 

HẠ THẤP TỶ LỆ HỘ NGHÈO

Chương trình đã giúp các hộ khó khăn có cơ hội thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, chủ động áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chương trình 135 giai đoạn I đã góp phần đáng kể trong việc vực dậy và tạo đà phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp đến, Chương trình 135 giai đoạn II là nguồn lực dồi dào thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện. Nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của bà con được đổi thay rõ nét”.

Nếu như năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn còn hơn 1.300 hộ thì đến năm 2010, số hộ nghèo giảm xuống còn 1.114 hộ, chiếm tỷ lệ khoảng 30%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện chỉ còn 3.139 hộ trên tổng số 45.352 dân số toàn huyện.

NGƯỜI DÂN ĐƯỢC QUYỀN CHỌN LỰA

Năm 2010, bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền các xã tiếp tục triển khai hỗ trợ 5 máy cày, 2 máy xay gạo và tuốt lúa, 156 con bò, gần 100 con heo và hàng chục tấn phân bón, với tổng vốn 1.150 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ 6 máy cày và 67 con bò, tổng kinh phí 500 triệu đồng bàn giao trực tiếp theo nhóm cho hơn 200 hộ ở buôn Mùi (Ea Trol), thôn Suối Biểu (Sơn Giang), buôn Mả Vôi, Quang Dù (Đức Bình Tây), thôn Bình Giang (Đức Bình Đông) và hàng trăm hộ nghèo ở các xã Sông Hinh, Ea Ly, Ea Bar, Ea Lâm...

Toàn bộ máy móc phục vụ phát triển sản xuất, cây, con giống, phân bón... người dân được quyền tự lựa chọn sao cho phù hợp với đất đai, công năng, hiệu quả sử dụng thông qua khâu kiểm định chất lượng kỹ thuật và giá cả của các ngành chức năng. Đây là hướng đi mới trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất ở huyện Sông Hinh, được người dân hoan nghênh, hưởng ứng.

Ông Ma Rét, Trưởng buôn Gao, đại diện cho nhóm 11 hộ nhận quản lý 1 máy cày trong đợt này phấn khởi cho biết: “Từ trước đến nay, bà con nhận máy móc, con giống từ các ban ngành, địa phương bàn giao mà không biết nguồn gốc. Nay được quyền lựa chọn theo nhu cầu, sở thích phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai nên tự chủ hơn trong sản xuất mùa vụ và chăm sóc tốt hơn cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn hướng dẫn sử dụng, khắc phục sự cố hư hỏng máy móc thông thường...”. Còn ông Ma Ka (buôn Thinh, xã EaTrol) quản lý, vận hành máy xay gạo thì bộc bạch: “Từ nay không còn phải lặn lội hàng chục cây số về trung tâm huyện xay gạo nữa. Máy tại chỗ, lúa, bắp trên nương, ngoài đồng mang về là có thể xay và ăn ngay được!”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thanh Định, cách làm này thể hiện sự tôn trọng và quyền làm chủ của nhân dân, tránh xảy ra tình trạng tiêu cực, bớt xén trong quá trình cung cấp, hỗ trợ công cụ, cây, con giống phục vụ sản xuất, gieo trồng đối với các ngành chức năng và địa phương.

Phương Nam (Theo Báo Dân tộc & Phát triển)