Đổi thay diện mạo văn hóa vùng đồng bào dân tộc

09:52 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 2702 |   In bài viết | 
Nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa

Ngày 24-11-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số. Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số của Bộ VHTT&DL cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện luôn được quan tâm sâu sát, kịp thời và cụ thể, từ việc tổ chức điền dã, tiếp xúc với các nghệ nhân, già làng, trưởng bản ghi chép tư liệu, xây dựng báo cáo khảo tả lễ hội đến công cuộc phục dựng luôn đảm bảo tính trung thực, đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu như đánh bạc, ăn uống dài ngày, nghi thức cúng tế huyền bí... Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc được khơi dậy, giúp đồng bào lựa chọn những yếu tố tiến bộ, phù hợp, bảo tồn, phát huy, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, góp phần thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Ông Ngô Hoài Chung, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa sống trên những vùng đất có từ lâu đời và khá nổi tiếng với các lễ hội gắn với tên các nhân vật anh hùng, đã làm nên bản sắc độc đáo, là linh hồn, là cốt lõi cho từng lễ hội trên các vùng miền núi xứ Thanh. Các lễ hội dân gian gắn với phong tục tập quán thờ thiên thần, thờ mẹ lúa, thờ thần nông được khôi phục lại trong những năm gần đây như: Lễ tế trời trên đỉnh Pú Pen của người Thái, Mường, lễ hội đêm tối trời của người Mông, lễ Xên của người Khơ Mú... đã đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần và văn hóa tâm linh cho bà con các dân tộc thiểu số. Bởi vậy, sự sống lại của những lễ hội này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng và tham gia một cách thành kính của đông đảo bà con các dân tộc.

Ông Trương Hồng Chiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Thông qua lễ hội, các địa phương đã giáo dục được truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương đất nước, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã khai phá và lập nên bản làng, đồng thời cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc hướng về cội nguồn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Lễ hội ở Cao Bằng luôn gắn liền với phong tục tập quán lâu đời của người dân, thông qua đó, người dân có dịp được thể hiện ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo các hoạt động vui chơi giải trí, mở rộng giao lưu với các bản làng lân cận, đặc biệt là nhân dân hai vùng biên giới Việt - Trung”.

“Kích cầu” cho phát triển kinh tế, xã hội

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai cho rằng: “Đất nước Việt Nam với 54 dân tộc anh em, hàng năm có gần 8.000 lễ hội, trong đó có trên 80% là lễ hội dân gian vô cùng độc đáo. Vì vậy, việc khôi phục và phát triển rộng rãi các lễ hội dân gian, truyền thống là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, mang lại thắng lợi lớn trên rất nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc”. TS Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ra nhận xét: “Việc khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi đã thu hút được một lượng khách du lịch đáng kể, đặc biệt là khách du lịch nội địa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc”.

Theo số liệu thống kê, năm 2009 Việt Nam đón 25 triệu lượt khách nội địa và 3,8 triệu lượt khách quốc tế, 6 tháng đầu năm 2010 đã đón được 17 triệu lượt khách nội địa, tăng 18% và 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2009. Một số lễ hội lớn thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, như các lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Bà chúa núi Sam, Ka tê, Óc Om Boóc... Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cho biết, 84% khách du lịch quốc tế đến Sa Pa khi được phỏng vấn đã trả lời mục đích chính của chuyến đi là tìm hiểu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó bao gồm các lễ hội truyền thống có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Những điều trên cho thấy, số lượng người tham gia, quan tâm tới các lễ hội ngày càng tăng, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng lên và khởi sắc rõ rệt.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đến nay, không khí các bản làng, phum sóc thực sự sống động, đồng bào các dân tộc phấn khởi, hăng hái tham gia sáng tạo văn hóa, thanh niên hân hoan với các hoạt động lễ hội, với các trò chơi dân gian truyền thống. Cũng không còn hiện tượng người dân bỏ tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; tôn giáo ngoại lai, đạo lạ không có điều kiện để thâm nhập, ý thức cộng đồng của người dân được nâng cao rõ rệt. Phát huy lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc với tinh thần bảo tồn những nét đẹp của lễ hội, tiếp thu những cái hay, cái mới của văn hóa đương đại một cách phù hợp, giúp đồng bào dân tộc có ý thức tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa, của chính quyền địa phương và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới.

Hà Lê (Nguồn: Báo Biên phòng)