Quy hoạch nhân lực các tỉnh miền núi phía Bắc

09:40 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 3002 |   In bài viết | 
Ngày 7/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực 14 tỉnh vùng núi phía Bắc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

14 tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm các tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình. Khu vực Đông Bắc có Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.

Diện tích tự nhiên là 102.900 km2 (30,7% diện tích cả nước), dân số đến năm 2009 là 12.208.830 người (14,23% của cả nước), 32 dân tộc cùng sinh sống.

Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng với nhiều lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác mỏ, du lịch…

Đây cũng là nơi có lợi thế về giao thương với Trung Quốc và Lào do có đường biên giới trải dài từ Đông sang Tây.

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực

Tuy có nhiều lợi thế nhưng 14 tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa thể tự cân đối được ngân sách mà chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Trung ương. Đặc biệt còn có khoảng cách khá xa về mức sống và thu nhập của người dân giữa 2 khu vực Tây Bắc và Đông Bắc.

Lực lượng lao động của cả khu vực hơn 7,7 triệu người (chiếm 14% lao động cả nước). Trình độ của người lao động toàn vùng được đánh giá là thấp so với mức trung bình toàn quốc, với tỷ lệ người tham gia lao động chưa từng đi học là 11,3% (tỷ lệ trung bình cả nước là 4,6%), tỷ lệ lao động đã tốt nghiệp THPT và trên phổ thông ở toàn vùng là 22,6%.

Dân số đang đi học đại học, cao đẳng đúng độ tuổi (sinh năm 1987 – 1990) trên địa bàn chiếm 5,7% tổng dân số trên địa bàn. Số người thất nghiệp là 108.563 người.

Điều này thể hiện khả năng huy động học đúng độ tuổi tại trình độ đại học và cao đẳng của toàn khu vực còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và nhu cầu nguồn nhân lực của toàn vùng.

Theo thống kê, trình độ của người lao động đã qua đào tạo ở khu vực (có bằng sơ cấp trở lên) chiếm 13,4%, trong đó sơ cấp là 2,3%, trung cấp là 6,3%, cao đẳng là 1,9% và đại học là 2,9%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá năng lực đào tạo và mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tại khu vực còn rất hạn chế, theo đó toàn khu vực có 45 trường đại học, cao đẳng với 127.560 sinh viên chính quy, nhưng chủ yếu năng lực đào tạo do Đại học Thái Nguyên đóng vai trò nòng cốt. Đội ngũ giảng viên chất lượng cao cũng phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại trường Đại học Thái Nguyên (chiếm tới 70% số GS, PGS tòan vùng).

Từ những bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị, từ nay đến 2020, toàn khu vực miền núi phía Bắc cần thành lập thêm một số trường Đại học, cao đẳng chuyên đào tạo ngành nông lâm, xây dựng dân dụng, thủy lợi, y dược, tài chính, ngân hàng... Phấn đấu mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường dạy nghề, mỗi huyện có 1 trung tâm dạy nghề. Đảm bảo quy mô đào tạo tăng 25%/năm.

Phát triển đa dạng các loại hình đào tạo nghề, xây dựng trường đại học đa ngành của vùng, mở hệ đào tạo tại chức ở các tỉnh. Chú trọng bồi dưỡng đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, phấn đấu các cụm xã đều có cán bộ có trình độ trung cấp, đại học.

Báo cáo quy hoạch nhân lực trước 20/12

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các tỉnh cần xác định năng suất lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo mới, đào tạo lại ở địa phương mình. Cần đổi mới nhận thức ngay từ các cấp lãnh đạo ở các địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc cần tổ chức thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu về nhu cầu và năng lực đào tạo.

Trước mắt, 14 tỉnh cần tập trung để hoàn thiện các báo cáo, từ đó xây dựng phiên bản 1 về quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 20/12/2010.

Tập trung xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực để sử dụng vào quy hoạch phát triển KT-XH trong 10 năm tới của địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng các cụm ký túc xá cho sinh viên đang được triển khai khẩn trương bằng nguồn vốn của Nhà nước tại tỉnh Thái Nguyên.

Theo Từ Lương (www.chinhphu.vn)