Tỷ lệ tử vong mẹ ở các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc cao nhất cả nước

09:47 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 5016 |   In bài viết | 
Ở nước ta tỷ lệ tử vong mẹ có sự rất khác nhau giữa các vùng và khu dân cư. Trong đó, cơ sở y tế giữ một vai trò quan trọng nhất định trong giải quyết các tai biến sản khoa và góp phần giảm tử vong mẹ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sau sinh. Ở nhiều nơi, dịch vụ làm mẹ an toàn không đáp ứng được nhu cầu hoặc không đến được với phụ nữ vì khoảng cách xa xôi, chi phí tốn kém hoặc do các yếu tố kinh tế xã hội. Chăm sóc phụ nữ mang thai có thể có vị trí thấp trong danh sách ưu tiên của các hộ gia đình do tốn kém thời gian, tiền bạc.

Theo kết quả chương trình “Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh” được triển khai năm 2009 tại 14 tỉnh miền núi, trong đó tại vùng núi phía bắc có 10 tỉnh và Tây Nguyên có 4 tỉnh cho thấy, vấn đề sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh đã được cải thiện. Tính chung tại 14 điểm điều tra, nguy cơ chết mẹ là 1/521 thấp hơn so với điều tra của Bộ Y tế năm 2000 – 2001 (1/334). Điều này có nghĩa cứ 521 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ (15-49) thì sẽ có 1 trường hợp tử vong mẹ.

Nguy cơ tử vong mẹ cao nhất ở Điện Biên, cứ 148 phụ nữ vào tuổi 15-49 thì có 1 tử vong mẹ; sau đó đến Lai Châu 218; Gia Lai là 271, các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai dao động ở mức trên 300 và thấp nhất là Lạng Sơn, chỉ có 1 bà mẹ chết trên 3.567 phụ nữ trong độ tuổi 15-49. Thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ ở các tỉnh vùng Tây Bắc là 13,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên là 5,3% và thấp nhất là các tỉnh vùng Đông Bắc là 3,3%. Điều này cho thấy tỷ suất tử vong mẹ ở các tỉnh miền núi Tây Bắc là rất cao so với các vùng khác trong cả nước.

Tỷ lệ chênh lệnh này cũng phản ánh sự thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã gây tăng tử vong mẹ. Số trường hợp tử vong cao nhất thường gặp ở những bà mẹ mù chữ, không có nghề nghiệp và sống trong tình trạng nghèo đói, thu nhập thấp đặc biệt những phụ nữ là người dân tộc có nguy cơ tử vong cao hơn hẳn so với phụ nữ là người dân tộc Kinh.

Hay với những phụ nữ cao tuổi (trên 44 tuổi), đẻ nhiều lần (trên 3 lần) tỷ lệ tử vong mẹ cao gấp 4 lần nhóm sinh 1-2 con, các bà mẹ càng nhiều con thì những lần đẻ sau càng có nguy cơ phải can thiệp bằng phẫu thuật so với những lần trước. Tập quán sinh con tại nhà hay khoảng cách và thời gian vận chuyển sản phụ đi cấp cứu trước khi tử vong, đặc biệt sự thiếu chăm sóc của y tế là mối đe dọa tính mạng lớn nhất đối với phụ nữ trong khi sinh. Vì trong thời gian này, những tai biến bất thường có thể xuất hiện đe dọa tính mạng người phụ nữ.

Trong Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản từ năm 2001-2010 của Bộ Y tế, mục tiêu cơ bản của sức khỏe bà mẹ là “Cải thiện tình hình sức khỏe phụ nữ và các bà mẹ, giảm tử vong và bệnh tật của mẹ, giảm tỷ lệ chết và tỷ lệ mắc bệnh của các bà mẹ, giảm tỷ lệ chết trẻ em ở các vùng và các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt chú ý tới các vùng sâu, vùng xa và vùng hưởng phúc lợi từ các chính sách của Chính phủ”.

Đến nay, về cơ bản mục tiêu này đã đạt được. Có được kết quả này là do những nỗ lực nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và đầu tư dự trữ đủ nguồn máu, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị cấp cứu cho cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa. Cấp gói đẻ sạch cho y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, gia đình thai/sản phụ tại các vùng có tỷ lệ sinh tại nhà cao.

Tuy nhiên, đối với một số tỉnh miền núi đặc biệt là khu vực Tây Bắc thì mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đạt được. Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống báo cáo để nâng cao độ chính xác của các thông tin y tế nói chung và thông tin về các trường hợp tử vong mẹ, trẻ sơ sinh nói riêng, cần tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó quan tâm đầu tư hơn nữa cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

(Nguồn: Website Đảng Cộng sản Việt Nam)