Tháo gỡ rào cản trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở miền núi

09:42 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 3023 |   In bài viết | 
Thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 'nghịch lý' giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của người nghèo. Người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế khi mắc bệnh lại thấp hơn các nhóm đối tượng khác. Việc ban hành và triển khai Quyết định 139/2002/QÐ-TTg về việc thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo đã giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế lên đáng kể. Năm 2003, cả nước có 11 triệu người được hưởng chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo, tăng gấp ba lần so với trước khi ban hành Quyết định 139. Nhưng kể cả khi được hỗ trợ kinh phí thì một bộ phận người nghèo vẫn gặp khó khăn khi khám, chữa bệnh do phải chi trả thêm chi phí trực tiếp do không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, như: thuốc, vật tư... và các chi phí gián tiếp: đi lại, ăn uống... Trong các năm triển khai Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, nhiều tỉnh không sử dụng hết kinh phí, trong đó chủ yếu là các tỉnh miền núi. Hiện tượng này chứng tỏ, mặc dù người nghèo đã được hỗ trợ kinh phí nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi khám, chữa bệnh. Khi thẻ khám, chữa bệnh cho người nghèo hòa vào hệ thống chung của BHYT thì dẫn đến hiện tượng 'bao cấp ngược', tức là người nghèo ở miền núi hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo ở miền xuôi. Luật BHYT có hiệu lực (từ 1-9-2009), người nghèo được thanh toán các khoản chi phí điều trị cao, sử dụng nhiều dịch vụ, chỉ định thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng rộng hơn do thay đổi trần chi trả hoặc nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, thì vẫn còn những bất lợi. Việc quy định đồng chi trả 5% chi phí khám, chữa bệnh gây nhiều khó khăn cho người nghèo, làm hạn chế đáng kể khả năng sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ðiều kiện địa lý cũng là một rào cản trong việc khám, chữa bệnh cho người nghèo. Các thống kê cho thấy người dân sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên thấp hơn người dân sống ở miền xuôi. Người nghèo sống ở miền núi tiếp xúc với y tế tuyến xã và huyện là chủ yếu. Có đến 70% số người nghèo sống ở miền núi sử dụng tuyến xã, cao hơn nhiều so với người nghèo sống ở miền xuôi. Nếu so sánh riêng trong những người nghèo thì khả năng tiếp cận các bệnh viện tuyến trên của người nghèo sống ở miền núi chỉ bằng một phần ba so với người nghèo sống ở miền xuôi. Nếu xem xét các tác động kép giữa yếu tố kinh tế và địa lý thì khả năng tiếp cận cơ sở y tế tuyến trên của người nghèo sống tại miền núi thấp hơn người nghèo sống ở miền xuôi khoảng sáu lần. Như vậy khả năng tiếp cận cơ sở y tế tuyến trên của người nghèo vốn đã khó khăn thì đối với người nghèo sống tại miền núi còn khó khăn hơn nhiều. 

Bên cạnh đó, dịch vụ y tế ở miền núi có chất lượng thấp hơn và chi phí ít hơn các dịch vụ y tế ở miền xuôi. Nhiều tỉnh, huyện miền núi không có hoặc không sử dụng được các thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại cũng như không thực hiện được các phẫu thuật, thủ thuật phức tạp chi phí cao. Một nghiên cứu về y tế cơ sở thực hiện năm 2010 cho thấy chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã không cao và năng lực chuyên môn của các y, bác sĩ tuyến xã còn nhiều hạn chế. Ðây là thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe người nghèo. Nếu khó khăn về tài chính được cải thiện, nhưng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới vẫn thấp thì người nghèo vẫn không được sử dụng các chất lượng dịch vụ y tế có chất lượng phù hợp nhu cầu.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, từng bước thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, các chuyên gia y tế kiến nghị nhiều biện pháp cần sớm triển khai. Theo Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam TS Lý Ngọc Kính, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người nghèo để giảm bớt chi phí gián tiếp, đi lại cho người nghèo không may bị mắc bệnh. Ðể người nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, điều cơ bản phải đưa các dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng  cao về gần họ thông qua việc tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã, bệnh viện huyện như nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị y tế và nhất là con người. Trong thời gian trước mắt tiếp tục duy trì luân phiên cử cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Ðồng thời nghiên cứu các chính sách thu hút cán bộ chuyên môn tốt về công tác tại tuyến xã, bệnh viện huyện và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở. Cùng chung quan điểm, TS Trương Tấn Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng: Cần xem xét lại quy định cùng chi trả 5% chi phí khám, chữa bệnh theo hướng giảm hoặc bỏ hẳn tỷ lệ này. Việc quy định cùng chi trả 5% nhằm mục đích tránh lạm dụng BHYT. Nhưng đối với người nghèo, 5% chi phí có thể là số tiền không nhỏ, nhiều khi vượt quá khả năng của họ, nhất là vào những thời điểm khó khăn như giáp hạt, thiên tai... Có thể xem xét giải pháp tăng mức đóng BHYT cho một số đối tượng có thu nhập ổn định hoặc có thu nhập khá. Ðồng thời tăng cường vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó có việc xác định hộ nghèo và cận nghèo, kịp thời đề xuất việc cấp thẻ BHYT cho họ...

Hoàng Minh (Nguồn: Báo Nhân dân)