Mù Cang Chải đón mùa xuân mới

09:38 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 2867 |   In bài viết | 
Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, Mù Cang Chải cách trung tâm tỉnh lỵ 180 km với diện tích tự nhiên trên 120 nghìn ha, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, giao thông đi lại khó khăn.

Mù Cang Chải có 13/13 xã, 116 thôn bản đặc biệt khó khăn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, với dân số trên 50 nghìn người. 7 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn các xã, thôn này, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%.

Từ khi bắt tay vào thực hiện, huyện đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền vận động và phổ biến, góp phần làm cho nhân dân hiểu các nội dung và mục tiêu của Chương trình.

UBND huyện đã phân cấp cho xã làm chủ đầu tư các hạng mục dự án để các xã làm quen dần với cơ chế quản lý của Chương trình. Đến nay, đã có 100% xã được phân cấp làm chủ đầu tư các hạng mục như: lập quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng thiết yếu; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ các dịch vụ cải thiện nâng cao đời sống….

Nguyên tắc dân chủ công khai có sự tham gia của nhân dân được huyện Mù Cang Chải thực hiện nghiêm túc, được triển khai từ cơ sở, từ các thôn bản và người dân trong việc bình xét, lựa chọn đối tượng thụ hưởng, trong việc xác định nhu cầu đầu tư và xây dựng kế hoạch, đến việc tham gia giám sát thực hiện và vận hành quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình của người dân.

Sự tham gia của các đoàn thể và các tổ chức chính trị- xã hội ở từng địa phương với phương châm “nhân dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ” đã nêu cao tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, thường xuyên giúp đỡ đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Xóa được đói, giảm mạnh nghèo

Chủ tịch UBND Huyện Mù Cang Chải Giàng A Tông cho biết, 5 năm thực hiện đã chứng tỏ Chương trình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Nguồn lực đầu tư của Chương trình 135-II cùng với các nguồn vốn lồng ghép trên địa bàn đã từng bước tạo ra sự thay đổi lớn về diện mạo của vùng nông thôn miền núi Mù Cang Chải.

Thực hiện hiệu quả từng hợp phần của Chương trình, huyện đã thực hiện được gần 71 tỷ đồng trong số hơn 87 tỷ đồng tổng vốn được giao theo kế hoạch. Đã có hơn 4.620 lượt hộ được hỗ trợ sản xuất với 39 mô hình sản xuất, mua hơn 900 thiết bị, công cụ sản xuất. Hơn 580 tấn phân bón đã được hỗ trợ cho nông dân trong huyện với gần 140 lớp tập huấn khuyến nông…

Huyện đã xây dựng mới được 73 công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm xã, điện cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. 100% các xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, 75% thôn bản có đường đi được xe máy.

Các công trình thủy lợi đảm bảo năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất cho trên 80% diện tích trồng lúa nước, 100% xã có trường lớp học kiên cố tại trung tâm xã, 12/13 xã có điện lưới quốc gia.

88 lớp đào tạo năng lực đã được mở với với trên 4.500 số lượt cán bộ xã và người dân tham gia.

Qúa trình thực hiện Chương trình, đội ngũ cán bộ cơ sở có điều kiện nâng cao năng lực, trình độ, có được kinh nghiệm để tham gia quản lý, giám sát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Hiểu biết của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến rõ rệt.

Ngoài ra, gần 15.200 lượt học sinh phổ thông và mẫu giáo ở các cấp học đã được hỗ trợ, 13 câu lạc bộ pháp lý được thành lập để nâng cao nhận thức pháp luật…

Đến nay, Mù Cang Chải cơ bản xóa được hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 72,2% năm 2006 xuống còn 40,4% năm 2010.

Mù Cang Chải xuân này đã có bước đổi thay lớn hơn về đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn huyện vùng cao như được thay áo mới, chào đón Tết đến, xuân về.

Kiều Liên (Nguồn: baomoi.com)