Múa lăn đàn tính - cuộc thi tài của những chàng trai dân tộc Tày
04:32 AM 25/01/2011 | Lượt xem: 2804 In bài viết |Đồng bào Tây Bắc từ xa xưa đã rất ưa thích múa. Múa có chung cội nguồn với lịch sử dân tộc. Múa không chỉ là một đòi hỏi của công chúng trong đời sống văn hoá tinh thần, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giao tiếp mà còn là một công cụ giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ…
Những điệu múa vùng Tây Bắc vừa mang bản sắc văn hóa các vùng vừa mang phong cách dân tộc độc đáo. Người Thái tự hào với những điệu xoè rộn rã, người Mông tự hào với những điệu múa khèn ngất ngây. Còn người Tày tự hào với điệu múa lăn đàn tính đầy tinh thần thượng võ của những chàng trai mà nhiều người nói vui rằng chỉ ở trong điệu múa lăn con trai Tày mới thể hiện được hết sức mạnh sự khéo léo của mình.
Cũng chính bởi thế mà múa lăn đàn tính được người Tày sử dụng nhiều trong những ngày lễ tết của dân tộc, ngày hội vui xuân của làng của bản, các chàng trai lại cùng nhau đua tài trong điệu múa lăn, các cô gái khoe sắc với làn điệu then mượt mà và để rồi sau những cuộc vui xuân nhiều trai gái đã thành đôi thành cặp.
Xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn là nơi có đến trên 80% người Tày sinh sống, còn lưu giữ được khá nhiều những nét văn hoá dân tộc riêng có của người Tày, trong đó có điệu múa lăn đã được lưu truyền đến tận hôm nay. Ông Hoàng Kim Trân – Phó chủ tịch UBND xã và cũng là người am hiểu về múa lăn đàn tính cho biết, ở Bình Thuận hiện nay còn rất nhiều người có thể múa lăn đàn tính được.
Mỗi dịp xuân về, người Tày Bình Thuận lại tổ chức hội làng vui xuân và không thể thiếu được điệu múa lăn. Các chàng trai căng tràn sức trẻ vừa gảy đàn vừa di chuyển với những động tác dứt khoát mà uyển chuyển, lăn người theo điệu tính. Khi múa tay chơi tính, chân bước theo nhịp tính, rồi xoay rồi bước. Múa lăn cũng có nhiều động tác nhưng có 5 tư thế đó là đi, đứng, ngồi, nằm và lăn. Ở bất kỳ một tư thế nào thì người múa vẫn ung dung tự tại, tay gẩy tính. Khi lăn người thì đầu và tính không được chạm đất, tất cả sức bật được dồn vào hai chân và cơ bụng rắn chắc, khiến cho điệu múa vừa mềm mại lại vừa khoẻ khoắn.
Trong điệu múa lăn đàn tính không thể thiếu những cô gái Tày duyên dáng uyển chuyển trong tà áo chàm. Nhưng những cô gái chỉ đóng vai trò quan sát, cổ vũ cuộc thi tài của các chàng trai chứ không tham gia chính trong điệu múa. Sự xuất hiện của các cô gái Tày trong điệu múa lăn đàn tính như một chất xúc tác khiến những chàng trai thêm sức mạnh để thể hiện tài năng của mình thật hay, thật khoẻ, thật dẻo dai.
Nghệ nhân Hoàng Kim Nguyên thôn Rịa 2, xã Bình Thuận cho biết: “Trước kia, người Tày thường múa lăn đàn tính cùng với 12 chén rượu đặt ở sàn múa, múa, lăn qua lăn lại làm sao không được đổ rượu”. Chính vì vậy nên khi di chuyển người múa phải tính toán bước múa sao cho khi lăn mình xuống sàn thì phần gáy và đầu bằng với khay chén không thấp hơn cũng không cao hơn. Nếu không khéo léo thì người múa có thể làm đổ rượu hoặc phần đầu chưa tới được chén rượu, như thế sẽ không đẹp.
Múa lăn đàn tính không hạn chế số lượng người múa, có thể 1 cặp cũng múa được, có khi hàng chục cặp cùng múa, miễn sao có được sàn múa rộng đủ cho các cặp múa.
Xuân về lên với Tây Bắc, lên với những bản làng người Tày, lòng lại rộn ràng xao xuyến bởi âm thanh của cây tính, để được đắm mình trong điệu xoè then và cùng thưởng thức cuộc thi tài của những chàng trai Tày qua điệu múa lăn đàn tính.
Thanh Ba (Nguồn: Báo Yên Bái)