Khởi sắc trên vùng đất địa đầu Tổ quốc

04:13 AM 16/02/2011 |   Lượt xem: 2234 |   In bài viết | 

Không chỉ có cụ Sơn mới thấy mừng, và cũng không phải chỉ có những người đã sống, làm việc ở Hà Giang mới cảm nhận được điều đó. Ðến Xín Mần đúng dịp huyện khánh thành cây cầu bê-tông kiên cố - là thành quả của công tác xã hội hóa giảm nghèo (Nghị quyết 30a). Cây cầu không chỉ giúp nhân dân sáu xã phía nam huyện thuận tiện đi lại mà còn là cây cầu nối những ước vọng về sự phát triển, về tương lai tươi sáng. Làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần, đồng chí Dương Minh Hòa, Bí thư Huyện ủy cho biết, thành tích nổi bật của Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ vừa qua chính là công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bằng nguồn vốn 20 tỷ đồng từ Nghị quyết 30a, Xín Mần chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng: nâng cấp rải nhựa tuyến đường Xín Mần - Chí Cà dài hơn 13 km; tuyến đường Xín Mần - Nàn Xỉn hơn 8 km; nâng cấp đường Ngán Chiên - Trung Thịnh dài 19 km; đường Ðèo Gió - Quảng Nguyên dài hơn 10 km; tuyến đường xây lắp điện Pà Vầy Sủ - Si Cà Lá... Với chủ trương 'chung tay xây dựng huyện Xín Mần', huyện đã kêu gọi và nhận được nhiều nguồn đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bằng nguồn vốn này, huyện đã tiến hành xóa nhà tạm, xây trường học nội trú, hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cho người nghèo, cho học sinh dân tộc thiểu số...

Chương trình 'mái nhà, con bò, bể nước' đã trực tiếp giúp cho hàng nghìn hộ thoát nghèo, phát triển sản xuất ở Yên Minh, một trong số bốn huyện vùng cao núi đá đặc biệt khó khăn của tỉnh. Năm 2008, chị Vàng Thị Sáy, ở thôn Lủng Pủng B (xã Sủng Thài) được nhận nuôi một con bò. Ðầu năm 2010, bò đẻ được hai bê con, chị Sáy bán một con, giữ lại một. Bò mẹ thì chuyển cho hộ nghèo khác nuôi. Ngoài hiệu quả thiết thực là hai chú bê con, gia đình chị còn được hưởng lợi khi nuôi bò làm sức kéo và góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Dự án phân cấp giảm nghèo triển khai ở xã Kim Linh (Vị Xuyên) đã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu sinh sản cho 25 hộ nghèo ở thôn Bản Lầu, Nà Thuông. Mỗi hộ được nhận gần sáu triệu đồng để mua giống trâu, phát triển trồng cỏ và sửa chữa chuồng trại. Ðến nay, tất cả các hộ dân trong xã đã mua được trâu và làm chuồng hợp vệ sinh. Chương trình tái định cư cho đồng bào dân tộc thôn Ðán Khao (Nàn Xỉn, Xín Mần) giúp 34 hộ dân tránh được nguy cơ tiềm ẩn do lở đất. Hay như phong trào của các hội, đoàn thể giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và chung tay xây dựng các công trình dân sinh...  

Vai trò của cấp ủy Ðảng và đảng viên được phát huy đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Không chỉ biết làm giàu và giúp bà con cùng xóa nghèo, làm giàu, ở Hà Giang, đảng viên phải là ngọn cờ đầu trong mọi mặt đời sống. Chính vì vậy, nhiệm vụ bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên được cấp ủy đảng các cấp đặc biệt quan tâm.

Năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Hà Giang được công nhận là công viên địa chất toàn cầu mở ra cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ, hứa hẹn sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư sinh sống ở Cao nguyên đá.

Ðó chỉ là vài nét chấm phá của bức tranh toàn cảnh công cuộc đổi mới ở Hà Giang. Kết quả đó ghi dấu ấn đáng kể những cố gắng, nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhiệm kỳ vừa qua. Là lời chào mừng ý nghĩa nhất của vùng đất nhiều khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc.

Lên Hà Giang những ngày này, hòa chung không khí phấn khởi, vui mừng của cả nước, đồng bào các dân tộc nơi đây càng tin tưởng hơn vào một tương lai hứa hẹn nhiều khởi sắc. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, điểm nhấn ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ vừa qua ở Hà Giang là công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Từ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Ðảng các cấp, nhiều Chương trình, chính sách của Ðảng và Nhà nước đã được triển khai đồng bộ như Chương trình 135, 134, Nghị quyết 30a, dự án phân cấp giảm nghèo... Trên cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện các giải pháp cụ thể như: tạo điều kiện cho người nghèo có đất sản xuất, được vay vốn phát triển sản xuất hoặc tập huấn nâng cao năng lực... Bên cạnh đó, đã có hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, thủy lợi và các công trình phúc lợi được xây dựng ở vùng khó khăn. Chính vì vậy, đời sống của người nghèo đã từng bước được cải thiện và nâng cao theo hướng bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,8% (giảm 35,3% so với năm 2005). Về cơ bản, mức hưởng thụ về văn hóa, y tế, giáo dục của nhân dân được bảo đảm và nâng lên.

Ðịnh hướng phát triển của Hà Giang trong những năm tới sẽ tập trung vào ngành du lịch, dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, du lịch, dịch vụ sẽ là mũi nhọn khi Công viên địa chất Cao nguyên đá Ðồng Văn được đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái với những cánh rừng nguyên sinh, thác nước tự nhiên, văn hóa dân tộc đặc sắc là thế mạnh của các huyện phía tây của tỉnh. Nhất là khi con đường nối với quốc lộ 2, hành lang kinh tế Vân Nam - Hà Nội - Quảng Ninh, được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang là rất đáng trân trọng, góp phần đưa Hà Giang từng bước đi lên. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Vẫn còn đó những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung như: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều mặt hạn chế; kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, khả năng tái nghèo cao; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; mức thu nhập bình quân đầu người/năm còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực; mức sống của người dân so với một số tỉnh trong khu vực còn có khoảng cách đáng kể... Ðể hoàn thành những mục tiêu như Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra gồm 19 chỉ tiêu, trong đó có giá trị tăng thêm của nền kinh tế đạt bình quân 14,6%/năm; các ngành dịch vụ tăng 17,5%, chiếm 39,5% tổng sản phẩm của nền kinh tế; thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt hơn 1.300 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 400 nghìn tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm hơn 5%; có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; kết nạp mỗi năm 2.200 đảng viên trở lên; số chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh đạt hơn 90%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ đạt 99% trở lên..., Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy ý chí tự lực, tự cường, với quyết tâm vượt lên khó khăn, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư trên địa bàn. Có như vậy, Hà Giang mới sớm thoát khỏi tình trạng là một tỉnh nghèo và vươn lên sánh ngang với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Theo Thường Minh và Ngọc Hiếu (Báo Nhân dân điện tử)