Bình Phước: Nâng cao chất lượng công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm
09:52 AM 17/02/2011 | Lượt xem: 2401 In bài viết |Là tỉnh miền núi với gần 20% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Phước đã có được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Để có bước phát triển mới trong những năm tiếp theo, Bình Phước đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác này.
Những kết quả ghi nhận từ nỗ lực của các cấp, các ngành
Chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2006- 2010 được triển khai bằng những hoạt động thiết thực, gắn những chương trình này với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở. Các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo của Bình Phước về tài chính, vật chất rất phong phú, đa dạng. Ngay từ khi Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, chính quyền, ban, ngành đoàn thể ở địa phương đã phân công cụ thể việc phụ trách các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh đã tăng cường cán bộ về các xã thực hiện chương trình và áp dụng một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, cấp cây con giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo. Vận động người dân tương trợ, giúp đỡ và tạo việc làm cho hộ nghèo thông qua các tổ chức, đoàn thể xã hội, Mặt trận tổ quốc.
Chương trình xóa đói giảm nghèo từ năm 2006- 2009 đã mang lại một kết quả đáng ghi nhận, toàn tỉnh giảm được 15.952 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 11,2% xuống còn 4,91%. Cuối năm 2009, trước tình hình suy giảm kinh tế chung, giá cả hàng hóa tăng cao, khi Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước thông qua Nghị quyết nâng mức chuẩn nghèo của tỉnh, sau rà soát theo chuẩn mới, toàn tỉnh Bình Phước vào đầu năm 2010 có 17.225 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,81% trên tổng số hộ dân và đến cuối năm 2010, đã giảm được gần 2900 hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo còn 6,51%, tương đương với 14.358 hộ, theo chuẩn nghèo của tỉnh năm 2010. Song song với đó, Chương trình giải quyết việc làm ở Bình Phước giai đoạn 2006- 2010 đã giải quyết việc làm cho gần 130 nghìn lao động, so với kế hoạch 5 năm đạt là 104% kế hoạch, số việc làm mới được tạo ra hàng năm có xu hướng gia tăng trong suốt cả giai đoạn và tương ứng với tốc độ tăng hàng năm của nguồn lao động. Nếu như trong giai đoạn 2001- 2005, số chỗ việc làm mới tăng thêm bình quân hàng năm là 17.900 lao động thì giai đoạn này tăng lên 25 nghìn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được duy trì ở mức 3,5% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn được duy trì trên 90%. Ông Lâm Du, ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành cho biết, nhờ có công tác xóa đói giảm nghèo, không chỉ gia đình ông mà rất nhiều gia đình nông dân ở xã Nha Bích đã áp dụng kỹ thuật, vay vốn làm ăn trồng cao su, trồng điều, trồng sắn cho thu nhập cao, có gia đình không những thoát khỏi đói nghèo mà trở nên giàu có. Tại huyện Chơn Thành, không hiếm gia đình nông dân có xe hơi và con cái học hành trên thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ làm giàu cho chính mình mà các hộ thoát nghèo còn giúp bà con nơi đây vốn, giống, phân bón, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp, ngoài ra các gia đình khá giả còn nhận lao động vào làm việc trong các trang trại, các doanh nghiệp của gia đình mình với mức lương khá cao và công ăn việc làm thường xuyên.
Tuy hàng năm tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Phước đã giảm đáng kể, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tình trạng tái nghèo và hộ nghèo phát sinh, cùng với đó, nhận thức của một bộ phận hộ nghèo chưa có ý chí vươn lên, còn trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước. Cán bộ làm công tác giảm nghèo vừa yếu về chuyên môn, lại vừa ít về số lượng vì phải kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên, nhất là ở cấp cơ sở.
Giải pháp cho những năm tiếp theo
Bước vào giai đoạn 2010- 2015, công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm ở Bình Phước dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội khả quan, nhưng vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững hơn, tỉnh Bình Phước đã đưa ra các giải pháp như tận dụng triệt để các cơ hội thuận lợi, cố gắng vượt qua khó khăn thách thức, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho rằng, trước hết cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, với nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý, tập quán nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức, thúc đẩy và khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của người dân. Xã hội hóa công tác giảm nghèo, nhưng cũng cần xác định việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội, từ đây xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể, đồng thời khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và sự tự vươn lên của chính người nghèo. Tập trung nguồn lực thực hiện, nhằm đa dạng hóa các phương thức huy động các nguồn lực từ nhân dân, tổ chức, trước hết là chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ, cùng với đó là tập trung các mục tiêu trọng điểm, trong đó ưu tiên những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và các xã đặc biệt khó khăn, như các huyện ở khu vực xa trung tâm hành chính, kinh tế là Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập…v.v.
Tỉnh Bình Phước tiếp tục củng cố hoàn thiện bộ máy chỉ đạo điều hành chương trình ở các cấp, có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trên cơ sở phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, tăng cường phân cấp cho các địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình, đồng thời kiểm điểm nghiêm túc những việc đã làm, từ đó xem xét điều chỉnh lại đề án cho phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, Bình Phước còn phấn đấu thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm, đào tạo nghề, coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu, không những giải quyết cơ bản tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của địa phương mà còn tạo ra cho người lao động có công ăn việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nhằm đạt mục tiêu giải quyết việc làm trong giai đoạn 2010 -2015 là 151 nghìn lao động./.
(Nguồn: Website Đảng Cộng sản VN)