Hà Giang: Đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao

02:52 AM 16/03/2011 |   Lượt xem: 3513 |   In bài viết | 

Đến nay, toàn tỉnh có 54.000 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá; 1.330 làng đạt danh hiệu làng văn hoá, 1.172 khu dân cư tiên tiến, xây dựng được 324 câu lạc bộ gia đình văn hoá.

Quá trình xây dựng và công nhận các làng văn hoá ở Hà Giang được gắn chặt với hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Trùng Thương-Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Với ưu thế có nhiều danh lam, thắng cảnh như: đỉnh Mã Pì Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn - thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, cột cờ Lũng Cú… cùng với sắc màu văn hoá đa dạng, độc đáo của cộng đồng các dân tộc nơi đây, thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và công nhận 29 làng văn hoá tiêu biểu như: làng văn hoá dân tộc Lô Lô dưới chân cột cờ Lũng Cú, làng văn hoá dân tộc Tày ở thành phố Hà Giang, làng văn hoá dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì, làng văn hoá dân tộc Mông huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc…

Ở Hà Giang, công tác xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá, làng văn hoá còn là một nội dung của cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư, thôn bản theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được đồng bào các dân tộc trong tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có trên 90 nghìn hộ thực hiện tốt quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, chiếm trên 65% tổng số hộ toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Trùng Thương cho biết thêm: trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch; chỉ đạo các làng văn hoá xây dựng quy ước, hương ước có nội dung bảo vệ môi trường, vận động các cơ quan, gia đình văn hoá thường xuyên quan tâm đến công tác chỉnh trang đô thị, giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, nhất là tại các làng văn hoá, du lịch cộng đồng, các điểm di tích lịch sử cách mạng. Do vậy, 100% các làng văn hoá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu những nét độc đáo về tự nhiên, địa mạo và bản sắc văn hoá các dân tộc nơi đây.

Với vị trí địa lý cực Bắc của Tổ quốc, xa các trung tâm đô thị lớn, điều thiệt thòi của cộng đồng các dân tộc Hà Giang là ít có cơ hội hưởng thụ các hoạt động văn hoá tinh thần. Ông Sèn Chỉn Ly - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: để khắc phục được tình trạng trên, phải thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại chỗ. Đây là giải pháp hữu hiệu để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Với quan điểm như vậy, tỉnh Hà Giang đã thành lập 11 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp của 11 huyện, thành phố, với gần 1.400 diễn viên quần chúng, thường xuyên hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và các ngày hội do Trung ương tổ chức tại địa bàn. Đáng lưu ý, Hà Giang đã có một sáng tạo nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các sở, ban, ngành và được Bộ Văn hoá-Thể Thao và Du lịch đánh giá cao. Theo đó, các sở, ban, ngành luân phiên biểu diễn nghệ thuật tại Quảng trường 26/3 ở trung tâm thành phố và trung tâm các huyện. Qua đó, không chỉ dấy lên phong trào luyện tập văn nghệ, thể thao trong cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị mà còn góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh và phục vụ khách du lịch. Trong 5 năm (từ 2005-2010), phong trào biểu diễn văn nghệ này đã duy trì phục vụ tốt với kết quả đáng khích lệ: đã tổ chức được 146 buổi biểu diễn với 2.400 tiết mục đặc sắc, mang đậm bản sắc của cộng đồng 22 dân tộc thiểu số trên địa bàn, phục vụ trên 100.000 lượt người nghe, xem, cổ vũ.

Cũng theo ông Sèn Chỉn Ly, bài học kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” là phải đặt phong trào dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận, ủng hộ thực hiện. Thực tế là những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng các mô hình sinh hoạt văn hoá phong phú tại các thôn, bản, làng văn hoá, các gia đình văn hoá nhằm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ dân gian, các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc… Qua đó, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, đưa phong trào thực sự đi vào cuộc sống.

Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 khoá VIII và Kết luận tại Hội nghị TW 10 khoá IX về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Hà Giang chú trọng tiếp tục xây dựng các làng văn hoá, tổ khu phố văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá để góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn những phong tục, tập quán đẹp của các dân tộc. Đối với những tập quán mới hình thành, tỉnh tạo điều kiện phát huy nhưng trên tinh thần “chọn lọc” theo các tiêu chí được quy định, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phấn đấu xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh./.


Theo Phương Liên (Website Đảng Cộng sản VN)