Văn kiện Đại hội XI của Đảng về công tác dân tộc ở nước ta hiện nay

01:39 AM 09/05/2011 |   Lượt xem: 2556 |   In bài viết | 

Nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống từ ngàn đời nay. Đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển là quy luật và truyền thống quý báu của đồng bào ta. Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, đồng bào dân tộc nước ta đều là anh em một nhà, sướng khổ cùng nhau, đoàn kết, luôn giúp nhau cùng tiến bộ. Đây là những tư tưởng nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện công tác dân tộc. Bước sang thời kỳ đổi mới thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập với thế giới hiện đại, công tác dân tộc được Đảng ta nhấn mạnh qua Văn kiện Đại hội XI thể hiện ở một số điểm chính.

Một là, mọi cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc cần nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược của công tác dân tộc nước ta hiện nay.

Không phải tất cả mọi cán bộ, đảng viên và từng người dân nước ta đều đã hiểu sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng có tính chiến lược về công tác dân tộc ở nước ta. Trong khi 54 dân tộc anh em với những điều kiện, trình độ, phong tục, tập quán khác nhau, hàng ngày, hàng giờ chung sống với nhau phấn đấu cho một mục đích chung dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ, đồng thuận, giúp đỡ nhau, bình đẳng, tôn trọng nhau thì khó có thể bền vững. Cho nên nhận thức đúng sẽ chỉ đạo hành động đúng ở mỗi người dân, người cán bộ, đảng viên trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác dân tộc.

Đảng và Nhà nước, các đoàn thể có biện pháp làm cho đồng bào dân tộc đa số và thiểu số cùng hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng, giúp đỡ nhau. Đảng và Nhà nước có chính sách, cơ chế để hỗ trợ giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, mở mang văn hóa, văn minh tiến bộ.

Những chính sách phải thật cụ thể, thiết thực, kết quả của nó được đo bằng sự thụ hưởng đích thực của đồng bào. Mặt khác, bản thân đồng bào phải chủ động vươn lên, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các dân tộc anh em để phát triển. Có như vậy chúng ta mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc một cách hiệu quả, bền vững theo Văn kiện Đại hội XI của Đảng đề ra.

Hai là, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược công tác dân tộc ở nước ta hiện nay.

Nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược công tác dân tộc được Đại hội XI của Đảng xác định, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Những mục tiêu, nhiệm vụ này có mối liên hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Các dân tộc có thật sự bình đẳng, yêu thương, giúp đỡ nhau mới đoàn kết gắn bó với nhau. Ngược lại, đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc thì mọi khó khăn, trở lực đều có sức mạnh vượt qua.

Tuy nhiên, những điều đó không thể tự nhiên diễn ra mà phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể chỉ đạo thông qua hệ thống chính sách cụ thể, phù hợp với từng nơi, từng lúc, từng đồng bào vùng dân tộc. Để thực hiện bình đẳng, đoàn kết các dân tộc, chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với từng dân tộc, từng vùng một cách cơ bản, cụ thể trước mắt và lâu dài. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải rất cụ thể, xác định rõ phát triển kinh tế là cái gì, như thế nào, ai làm, làm trong bao lâu, đồng bào được cải thiện thế nào…

Tương tự, các công tác khác như giáo dục, đào tạo; phát triển văn hóa; xóa đói giảm nghèo; trồng và bảo vệ rừng; trật tự an toàn xã hội… đều phải có mục tiêu, nội dung, biện pháp, hình thức, bước đi, trách nhiệm người thực hiện rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Tránh tình trạng làm theo phong rào “leo cột mỡ”, hình thức không có hiệu quả vừa tốn kém, lãng phí, vừa mất lòng tin với đồng bào. Cho nên, tính chiến lược của công tác dân tộc theo văn kiện Đại hội XI của Đảng là phải được xác định trong chính sách, trong cơ chế, trong hình thức, bước đi chính xác. Gắn thực hiện chiến lược công tác dân tộc với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ba là, nâng cao đời sống văn hóa, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Bác Hồ từng chỉ rõ, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Muốn đưa đồng bào dân tộc thiểu số còn đang sống ở những vùng khó khăn, dân trí hạn chế phát triển về kinh tế xã hội thì nhất thiết phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng văn hóa, mở rộng sự giao lưu, hiểu biết của đồng bào.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực phát triển văn hóa, nâng cao dân trí cho đồng bào vùng dân tộc. Tuy nhiên, kết quả còn chậm, không đồng đều và thiếu vững chắc. Sự phát triển văn hóa như vậy chưa đủ làm biến đổi về chất trong nhận thức, tư duy, trong cải thiện đời sống kinh tế - xã hội nhiều vùng dân tộc.

Điều quan trọng là Đảng, Nhà nước có chính sách đào tạo, sử dụng, chăm lo đội ngũ cán bộ là người dân tộc, cũng như là người Kinh lên công tác ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Xác định họ là lực lượng nòng cốt, quyết định trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào vùng dân tộc.

Đây là công việc chúng ta đã làm, vẫn làm, nhưng còn những yếu kém, hạn chế; làm không nhất quán, đồng bộ nên có nhiều hạn chế.

Việc đào tạo, xây dựng con người, nguồn nhân lực là rất chiến lược, là cơ sở để thực hiện chiến lược công tác dân tộc.

Bốn là, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn vùng đồng bào dân tộc.

Mặt trái của kinh tế nhiều thành phần gắn với thị trường, mở cửa, hội nhập dẫn đến khá nhiều tiêu cực, tệ nạn xã hội vùng đồng bào dân tộc, khiến chúng ta không thể xem thường.

Tệ buôn lậu, nhất là vùng giáp biên, cửa khẩu còn khá phức tạp, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh họat của đồng bào. Các tệ nạn nghiện hút, đào vàng, phá rừng, đất đai canh tác, nguồn nước… là những bức xúc ở nhiều vùng dân tộc, gây bất ổn với đời sống đồng bào. Tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí ở một số cán bộ làm mất lòng tin của nhân dân.

Những hiện tượng tiêu cực như vậy xảy ra ngay trong địa phương, nơi sinh sống hàng ngày khiến cho lòng tin, tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trở thành hình thức, mất đi những giá trị thiêng liêng của chiến lược công tác dân tộc. Trong khi đó, bọn xấu, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng những sở hở, yếu kém của ta; lợi dụng những vấn đề lịch sử, tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây hiềm khích giữa các dân tộc.

Thực hiện quan điểm chiến lược của Đảng về công tác dân tộc ở nước ta hiện nay phải được đặt ra một cách cơ bản, xác định nội dung, hình thức, biện pháp, bước đi một cách tòan diện và hệ thống, phù hợp với thực tiễn cụ thể nước ta hiện nay.

Theo PGS. TS Trần Quang Nhiếp(www.chinhphu.vn)