Điện Biên: Pú Nhung vươn mình trong sự nghiệp đổi mới

07:47 AM 11/05/2011 |   Lượt xem: 3066 |   In bài viết | 

Kiên cường trong chiến đấu

Theo lời kể của đồng chí Hoàng Hồng Dương - Bí thư chi bộ đầu tiên của châu Tuần Lai: Sau Cách mạng tháng Tám, giặc Pháp chiếm lại Lai Châu, chúng cướp của, đốt nhà, đánh đập người già, phá nương rẫy, hãm hiếp phụ nữ, bắt trai bản đi lính... Không thể trốn mãi trên rừng, với lòng yêu nước, căm thù giặc, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Tuần Lai, mặc dù chỉ có vũ khí thô sơ: cung nỏ, tên thuốc độc, bẫy đá, súng tự tạo của du kích, người Mông Pú Nhung đã đoàn kết cùng các dân tộc anh em trong huyện kiên cường đứng lên chiến đấu. Đội du kích Pú Nhung dưới sự chỉ huy của người Đội trưởng Sùng Phái Sinh kiên cường dũng cảm tiêu diệt địch ở đồn bản Chăn, đồn Phiêng Pi. Trên đỉnh núi Pú Ao ngày 15/6/1949, người thiếu niên dân tộc Mông 15 tuổi Vừ A Dính làm liên lạc cho cách mạng, bị địch bắt, tra tấn dã man, Dính một dạ kiên trung không khai báo cơ sở cách mạng, thực dân Pháp đã treo ngược anh lên một cành đào, rồi xả súng bắn... Ngày nay, tại Nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của xã Pú Nhung, cùng với Vừ A Dính là 6 người thân yêu trong gia đình được khắc tên tưởng niệm. Ghi nhận tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, ngày 31/7/1998, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đảng bộ, quân và dân xã Pú Nhung.

Đi đầu trong đổi mới

Trao đổi với các đồng chí thuộc lớp thế hệ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tiền nhiệm của Phú Nhung, chúng tôi được biết: Một câu hỏi lớn luôn thường trực, làm trăn trở nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên là làm gì và làm như thế nào để Pú Nhung vừa phát huy truyền thống anh hùng năm xưa vừa chiến thắng đói nghèo, vươn tới no ấm giàu có, đồng thời giữ được những nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông hôm nay, trong điều kiện địa lý tự nhiên không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng yếu kém. Từ thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền Pú Nhung xác định trước hết phải tạo được sự chuyển biến nhận thức trong từng Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ đến từng đảng viên và đồng bào dân tộc trong xã. Kiên trì, bền bỉ, Đảng ủy, HĐND và UBND từng bước đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên cơ sở phân công nhiệm vụ, coi trọng kiểm tra, giám sát. Điểm nổi bật trong công tác giáo dục là nâng cao nhận thức trong nhân dân nhằm chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tiếp thu và từng bước đổi mới. Coi trọng và lắng nghe ý kiến của già bản, người có uy tín, khuyến khích điển hình nhân tố mới xuất hiện trong sản xuất. Phát huy nội lực, trên cơ sở điều kiện, tiềm năng của địa phương, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình dự án của Nhà nước.

Mọi nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, chính quyền các đoàn thể đều hướng tới chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của gần 650 hộ và hơn 3.300 nhân khẩu trong xã. Đảng bộ nhận thức sâu sắc rằng: Muốn tạo sự chuyển biến trong nhân dân, hơn ai hết từng đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong hành động. Bởi với đồng bào dân tộc Mông nơi đây thì: “miệng nói không bằng tay làm”.

Những đảng viên tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vươn lên làm giàu được nhân dân học tập và làm theo là: Gia đình Vừ Khúa Xá, có hơn 5 ha cây quế hương và thảo quả, một đàn gia súc hơn 50 con trâu, bò; các gia đình Sùng Vảng Hồ, Lầu Chù Di, Sùng Dúng Khá, Trá Nhìa Dính, Sùng Chờ Ma, Sùng Dũng Hờ, Vừ Nhè Súa, Vừ Dũng Lầu và nhiều hộ gia đình đảng viên có mô hình vườn, ao, rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, làm nghề thủ công phát triển kinh tế. Thu nhập mỗi năm từ 50 đến 120 triệu đồng một năm. Những điển hình đó là một minh chứng cụ thể sinh động thuyết phục đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất từ bao đời nay của bà con dân tộc nơi đây. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở thế mạnh địa phương chủ yếu là phát triển kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; phá thế độc canh cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi bằng cách tăng vụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Tranh thủ sự giúp đỡ hướng dẫn về kỹ thuật của Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện, tập trung đầu tư thâm canh lúa ruộng, sử dụng các giống mới cho năng xuất cao: IR64, Nhị Hương, tẻ Thái Lan. Bảo vệ tốt gần 2.200 rừng, hơn 50 ha vườn nhà gồm nhãn, mận tam hoa, hồng đơn hạt, táo thiện phiến và hơn 300 ha đậu tương. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc trâu, bò, dê, ngựa, trở thành hàng hóa tăng thu nhập cho nhân dân.

Cùng với xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, việc tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được coi là nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ Pú Nhung. Phú Nhung hiện có hơn 100 đảng viên sinh hoạt ở 9 chi bộ, được đảng bộ phân công trực tiếp cùng Trưởng thôn, bản chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất trong 7 thôn, bản. Từng đảng viên vươn lên xoá đói giảm nghèo từ chính bản thân gia đình mình, đồng thời chịu trách nhiệm giúp đỡ 1 đến 3 hộ gia đình trong thôn bản. Vì vậy, đến nay toàn xã không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn 15%... Hằng năm việc đánh giá xếp loại của chi bộ, đảng viên được gắn với nội dung thực hiện nhiệm vụ chính trị xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Đảng bộ, chính quyền xã chăm lo xây dựng kết cấu hạ tầng, để phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá. Sử dụng có hiệu quả các chương trình đầu tư của Nhà nước phục vụ khai hoang, thuỷ lợi, điện, đường giao thông nông thôn… với yêu cầu: nhân dân được tham gia, giám sát, đảm bảo xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập. Nhiều năm qua, nhân dân tham gia hàng chục ngàn ngày công lao động công ích, hiến đất mở đường giao thông từ xã đi các thôn bản. Về Pú Nhung hôm nay, từ xã đi các thôn bản đều có thể đi bằng ô tô, xe máy; các cơ sở hạ tầng văn hoá xã hội trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khang trang, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe, xây dựng nếp sống văn hóa trong nhân dân. Từ các bản đến xã luôn thanh bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có người bị lợi dụng tuyên truyền trái phép, không có người nghiện hút, không có tệ nạn xã hội, không có người sinh con thứ 3. 7/7 bản với 85% số hộ đạt danh hiệu văn hóa. Hầu hết các gia đình đã ngói hóa, hơn 90% hộ gia đình có xe máy, thiết bị nghe nhìn. Chăm lo đến chiến lược “trồng người”, xã đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi, chuẩn phổ cập THCS, hơn 30 cháu đang học các trường chuyên nghiệp, 40 người đã tốt nghiệp đại học, hàng trăm cán bộ công tác tại huyện và trong tỉnh. Pú Nhung liên tục dẫn đầu toàn tỉnh trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng đời sống văn hóa. Hơn 20 năm, từ năm 1990 đến nay, Đảng bộ xã liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng bộ Vừ Vảng Dính - người con của Pú Nhung rất khiêm tốn và kiệm lời, tâm sự: “Pú Nhung chưa phải đã hết nghèo, còn nhiều việc phải làm cho đồng bào. Người Mông ta có câu “Nếu biết gieo thì không tốn hạt, nếu biết sống thì không tốn lời”. Để thành công trong công việc thì phải từ Đảng bộ, bắt đầu từ sự gương mẫu trong hành động của mỗi cán bộ đảng viên. Khi Đảng bộ luôn luôn chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì Đảng đã ở trong lòng nhân dân rồi đó. Nếu xưa Pú Nhung kiên cường, anh hùng thì nay Pú Nhung đang vươn mình trong công cuộc đổi mới”./.

Theo Đỗ Quang Khải (Website Đảng Cộng sản VN)