Vùng đặc biệt khó khăn: Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ bình đẳng giới
03:05 AM 12/05/2011 | Lượt xem: 2922 In bài viết |Trong thời gian qua, việc thực hiện các chính sách về bình đẳng giới ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, chính sách bình đẳng giới chưa thu được kết quả như mong muốn. Do đó, cần có một chính sách đặc thù, rút ngắn khoảng cách về giới trên nhiều lĩnh vực là việc làm cần thiết trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay.
Những kết quả đạt
được
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc (UBDT), vùng DTTS nước ta
có dân số trên 12 triệu người, chiếm 14% dân số cả nước. Với việc triển khai
tích cực các chính sách về bình đẳng giới, tỷ lệ nữ giới là người DTTS tham gia
lĩnh vực chính trị trong khu vực tăng từ 4- 6% (riêng vùng Đông Bắc đạt tỷ lệ 16
– 22%). Tỷ lệ phụ nữ vùng sâu, vùng xa có việc làm được nâng lên đáng kể, điển
hình như: huyện Đức Cơ, Gia Lai đạt 47%. Trong lĩnh vực y tế, phụ nữ được hưởng
thụ các dịch vụ y tế cũng tăng dần qua từng năm, tỷ lệ chị em khám thai từ 3 lần
trở lên ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đạt 60-70%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long
đạt khoảng 95%. Nhiều nơi đã triển khai công tác tuyên truyền bình đẳng giới,
lồng ghép với một số chương trình phổ biến pháp luật như: Câu lạc bộ phụ nữ -
pháp luật; phụ nữ không sinh con thứ 3; phụ nữ không có tệ nạn xã hội...
Ông Jesper Morch, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đánh giá: Việt
Nam là nước dẫn đầu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng
giới, thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tới các đối tượng là
trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Hiện, sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập
học giữa các em nữ và nam là rất thấp. Ngay trong Quốc hội khoá XII, tỷ lệ nữ
đại biểu đã đạt 25%, cao thứ hai khu vực Châu Á.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại ở nhiều
địa phương. Theo ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm UBDT, Trưởng Ban “Vì sự tiến
bộ của phụ nữ”, UBDT, trong lĩnh vực chính trị ở các vùng miền núi, dân tộc, hầu
hết nam giới vẫn giữ vị trí lãnh đạo, tỷ lệ nữ chỉ chiếm khoảng 10%. Việc tham
gia HĐND cấp huyện và cấp xã, nữ giới chỉ chiếm 6-7%. Do tình trạng mù chữ và
tái mù chữ cao nên rất ít phụ nữ sinh sống trong các bản làng DTTS tham gia vào
các lĩnh vực xã hội, chính trị, mà tập trung làm nông nghiệp là chủ yếu. Ông
Hoan đưa ra ví dụ: trường hợp chị Phàng Thị Di (thôn Nhì Dưới, xã Làng Nhì, Trạm
Tấu, Yên Bái). Mới 18 tuổi, Di đã có hai đứa con gái. Không được học chữ, không
biết nói tiếng phổ thông, ít khi Di được giao lưu tiếp xúc với cộng đồng trong
xã hội. Tất cả công việc trong nhà, từ sản xuất lương thực đến việc bếp núc, dệt
may, chăm sóc con cái, đảm bảo cuộc sống gia đình đều do Di đảm nhiệm. Thiếu
kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống nên gia đình Di luôn nghèo đói, một năm có tới
4- 5 tháng đứt bữa, ăn sắn thay cơm...
Theo số liệu thống kê của UBDT,
hiện nay, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 15 -40 không biết đọc, biết viết vùng Trung du
miền núi phía Bắc là 24,4%; vùng Tây Nguyên 29,1%; vùng Nam bộ 19%.
Cần một chính sách đặc thù
Nguyên nhân của tình
trạng trên, trước hết là do bộ máy, cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở
vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK chưa được bố trí, sắp xếp, kiện toàn kịp thời. Nhận
thức về giới của một bộ phận cán bộ vùng dân tộc, miền núi chưa đầy đủ, nên chưa
khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, nâng cao năng lực.
Bên
cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về giới và
bình đẳng giới chưa được tổ chức thường xuyên. Phương pháp, nội dung, tài liệu
tuyên truyền chưa phù hợp với trình độ nhận thức, văn hóa và phong tục, tập quán
của đồng bào...
Để các chính sách về bình đẳng giới được thực hiện có
hiệu quả và được đồng bào DTTS ủng hộ, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy
ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khóa XII cho rằng, chúng ta phải có những
biện pháp hoặc chính sách đặc thù cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới để phụ nữ có
thể tham gia mọi hoạt động ngang bằng với nam giới...
Có thể nhận thấy
rằng, việc xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại các
xã, thôn ĐBKK, vùng dân tộc và miền núi là rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải đầu
tư mạnh cho giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng và hành vi của cán bộ trong hệ
thống chính trị cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín và nhận thức của
cộng đồng các dân tộc về giới, bình đẳng giới.
Hoàng Thanh (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)