Sự truyền nối văn hóa Đông Sơn trên trang phục phụ nữ Mường

11:01 AM 13/05/2011 |   Lượt xem: 2870 |   In bài viết | 
Một bộ y phục truyền thống đầy đủ của phụ nữ Mường gồm: Khăn trắng thắt trên đầu hay còn gọi là mũ; áo ngắn có độ dài vừa chấm eo lưng, thường có các màu trắng xanh nõn chuối, xanh lá cây. Áo chùng dài đến ngang gối thường có màu tím than, màu đen hoặc cũng có thể có màu trắng sáng; yếm có hai loại: loại mặc thường ngày gọi là áo báng và mặc trong các nghi lễ thường có màu đỏ. Váy có hai phần là cạp váy và chân váy được dệt công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi óc thẩm mĩ cao của người phụ nữ. Cạp váy có màu sắc rực rỡ, chân váy màu đen hoặc xanh được thả dài đến gót chân. Bộ tênh là một dải lụa xanh lá mạ được thắt giữa eo làm tôn thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ. Đồ trang sức-ưa thích của phụ nữ Mường thường là chuỗi hạt cườm, vòng bạc đeo tay, bộ xà tích.

Khi đi làm, phụ nữ Mường thường đeo bên hông chiếc ớp, được đan bằng tre có miệng rộng để nhặt con cua, con ốc, rau rừng cho bữa ăn hằng ngày. Chiếc ớp được bố, chồng, chú đan cho, dây ớp rất bền và đẹp, làm bằng chỉ do phụ nữ Mường tết.

Người Mường không ưa sử dụng các màu sắc rực rỡ và chói gắt mà thường dùng các màu xanh và đen, nhưng không vì thế mà làm cho bộ trang phục trở nên đơn điệu.

Nghệ thuật trang trí trên cạp váy Mường thể hiện qua bố cục, các họa tiết hoa văn hình học, động vật được cách điệu trên cạp váy. Cạp váy Mường có ba phần: rang trên, rang dưới và cao. Trên các phần này, người Mường thể hiện cấu trúc hoa văn giống như hoa văn trên trống đồng Đông Sơn.

Hoa văn trên cạp váy Mường không chỉ thể hiện óc thẩm mĩ, tính cần cù của người phụ nữ Mường mà còn thể hiện giá trị nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt cổ. Ngày nay, trang phục của phụ nữ Mường đã có nhiều biến đổi do việc mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hằng ngày ít đi, thay vào đó là các âu phục. Phụ nữ Mường chỉ mặc y phục truyền thống vào những ngày lễ hội, chào cờ... chỉ có những người phụ nữ lớn tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống hằng ngày.

Việc không thường xuyên mặc trang phục truyền thống đã dần mất đi vẻ đẹp và bản sắc văn hoá truyền thống của chính dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung. Chúng ta cần có những chính sách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc, để thế hệ hiện tại và tương lai không phải nhìn những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình trong bảo tàng. Thiết nghĩ, trách nhiệm không chỉ của các nhà quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm và ý thức bảo tồn văn hoá truyền thống trong mỗi một người dân.

Hoàng Diệu (Báo Dân tộc & Phát triển)