Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn
01:48 AM 19/09/2011 | Lượt xem: 2294 In bài viết |Huyện Đồng Văn là trung tâm của 4 huyện (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, đây là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông, Tày, La Chí, Pu Péo, Dao…. Xác định dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của một huyện còn nhiều khó khăn, trong những năm qua Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn đã thực hiện khá hiệu quả nhiệm vụ của mình. Nhờ được học nghề, nhiều nông dân người dân tộc đã có thêm thu nhập từ những ngành nghề được đào tạo, từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong quá trình xoá đói giảm nghèo của huyện.
Trong năm 2011, Trung tâm được giao kế hoạch đào tạo 1.100 học viên, trong đó đào tạo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 800 học viên, chương trình của tỉnh 200 học viên và chương trình xã hội hoá 100 học viên. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề được 32 lớp với tổng số 727/1.100 học viên, đạt 66,1 % kế hoạch năm, tăng 4,1 % so với cùng kỳ năm trước. Các ngành nghề được Trung tâm đào tạo chủ yếu cho lao động nông thôn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là: Kỹ thuật gieo trồng các loại cây lương thực và cây rau mầu chủ yếu; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; điện dân dụng, tin học văn phòng…Nhằm đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện và các cấp chính quyền xã, thị trấn mở các lớp đào tạo lưu động cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc tại các xã, cụm xã, các thôn bản. Với hình thức đào tạo này, đó tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên nông dân người dân tộc thiểu số tham gia học tập nâng cao tay nghề. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã triển khai các nội dung đào tạo tại các thôn Lũng Cẩm, Lao Sa thuộc xã Sủng Là; thôn Má Xí xã Ma Lé; Bản Mồ, Ngài Lủng của thị trấn Đồng Văn; các thôn Lô Chải, Thèn Pả, Sáy Sà Phìn, Tả Giáo Khâu thuộc xã Lũng Cú; thôn Há Đề xã Tả Lủng…Qua các lớp học nghề đã trang bị cho học viên nông dân người dân tộc những kiến thức cơ bản về các nghề trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua nội dung được đào tạo đã giúp cho đồng bào biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của gia đình và địa phương, tạo tiền đề cho sản xuất tập trung theo qui mô hàng hoá của từng vùng trong huyện. Các nghề được đào tạo như kỹ thuật trồng nấm sò ở thị trấn Đồng Văn và xã Phố Cáo đã mang lại hiệu quả thiết thực, sau lớp đào tạo các học viên là người dân tộc Mông, Dao… đã biết cách trồng nấm và đã tạo ra sản phẩm bán trên thị trường với giá từ 35.000- 40.000 đồng/kg, tạo ra nguồn thu đáng kể cho đồng bào dân tộc. Học viên các lớp sửa xe máy đã tự tìm được việc làm để nâng cao tay nghề và tạo nguồn thu nhập. Học viên các lớp điện dân dụng đã biết tự sửa chữa những hỏng hóc thông thường của các thiết bị điện trong gia đình…
Bên cạnh kết quả đạt được, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Văn còn gặp không ít khó khăn trong công tác chuyên môn như tổng số cán bộ của Trung tâm chỉ có 7 người, trong đó có 4 giáo viên nên hầu hết các lớp phải thuê giáo viên của các ngành trong huyện tham gia giảng dạy, do đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề cho học viên, giáo trình của một số ngành chưa được biên soạn do thiếu kinh phí. Những ngành nghề thiếu giáo trình nên phải thuê các trung tâm khác nên nội dung chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Mặc dù phương thức mở lớp lưu động sẽ mang lại thuận lợi cho đồng bào các dân tộc nhưng các thôn bản địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung, địa bàn rộng….là những hạn chế trong quá trình đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại các thôn bản của huyện Đồng Văn.
Phạm Văn Phú