“Vị chúa” của đàn gáo Khmer

12:41 PM 06/10/2011 |   Lượt xem: 1903 |   In bài viết | 
Hôm chúng tôi đến nhà, nhạc công Trần Tiền đang tranh thủ thời gian nghỉ phép hướng dẫn một cậu học trò cách thức kéo đàn gáo. Thấy chúng tôi đến, anh vẫn không ngừng tay đàn, đôi mắt nhắm nghiền như đang “phiêu” cùng âm thanh du dương, trầm bổng của tiếng nhạc. Dạo hết bản nhạc, anh dừng lại bộc bạch: “Để nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer không bị phai nhạt, thất truyền, thế hệ đi trước như tôi phải có trách nhiệm truyền lại cho lớp người đi sau. Đó cũng là sự tri ân đối với thế hệ đi trước đã có công truyền lại cho mình”.
Nhà nghèo, cả mấy anh em trong nhà phải đi làm thuê giúp mẹ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Niềm đam mê âm nhạc đã không làm thui chột tâm hồn của một đứa trẻ có “máu” nghệ thuật. Ban ngày đi làm thuê, đêm đến chạy sang nhà nghệ nhân Thạch Siêng (người chơi nhạc cụ nổi tiếng ở xã Trường Khánh) để xem các cụ tấu nhạc. Tiếng nhạc trầm bổng, du dương hằng đêm của đàn gáo, đàn cò càng làm cho tâm hồn đứa trẻ mồ côi, nghèo khó đồng cảm. Và tiếng đàn ấy cứ thấm dần vào từng hơi thở của cậu bé nghèo. Ngày ấy, hễ tiếng đàn của ông Siêng kéo lên lúc nào là cậu bé Trần Tiền xuất hiện lúc đó.
Chính sự say mê của cậu bé nghèo đã làm cảm động người nghệ nhân già nổi tiếng “kén” đệ tử như ông Thạch Siêng. Ông nhận Trần Tiền làm đệ tử, tự tay làm cho anh một chiếc đàn cò (một việc chưa hề có tiền lệ). Ông còn truyền cho cậu trò nhỏ của mình tất cả những “ngón nghề” mà ông tích cóp được trên hành trình nghệ thuật. Với niềm đam mê tuyệt đối, Trần Tiền tiếp thu rất nhanh những thủ thuật, ngón nghề của người thầy và trở thành một tay kéo đàn thành thạo chỉ sau một năm học nghề. Cũng trong năm đó (năm 1985, khi 13 tuổi), anh đã được thầy cho đi theo đội nhạc cụ truyền thống của sóc để phục vụ trong các dịp lễ hội, đình đám.
Năm 1991, Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng tổ chức thi tuyển chọn nhạc công, anh đã đăng ký tham gia. Tiếng đờn điệu nghệ của anh đã lọt vào mắt Hội đồng tuyển dụng. Anh được nhận vào Đoàn Nghệ thuật với vai trò là nhạc công đàn gáo. Anh Tiền nhớ lại: “Được trúng tuyển, cảm giác của tôi lúc  đó vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình có thể đem được khả năng của mình ra phục vụ cho đồng bào mình; còn lo vì từ trước tới giờ chỉ biết kéo đàn cò, chưa bao giờ thử sức với đàn gáo. Quan trọng hơn là trong sân khấu LaKhon Basak (dù kê), đàn gáo được xem là nhạc cụ chủ lực, phải mở đầu cho màn diễn mà lại rất khó học và rất khó kéo đàn.”
Lúc mới học kéo đàn, bốn ngón tay của anh đều bị đau nhức, từng miếng bị phồng (rộp). Quá khó nhọc nên nhiều lần anh đã có ý định từ bỏ giấc mơ của mình. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, cùng nỗi nhớ “da diết” cây đàn mỗi khi rời xa nó, anh như người mang nợ. Sau 2 năm miệt mài, đôi tay anh đã thành thạo trên chiếc đàn, những ngón tay đã bắt nhịp để “nhảy múa” cùng những âm thanh trầm bổng của chiếc đàn gáo trong từng vai diễn trong LaKhon Basak.
Hơn 18 năm gắn bó, sự thanh thoát, trầm bổng... của chiếc đàn gáo đã làm say mê lòng người và đưa tên tuổi của anh lên cao. Nhắc đến LaKhon Basak của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng thì không thể không nhắc đến tiếng đàn gáo của anh. Là nhạc công giỏi nên anh luôn được mời đi dạy ở Đội Thông tin văn nghệ Khmer tỉnh Bạc Liêu, đội nhạc cụ ở quận Ô Môn (TP. Cần Thơ). Tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) năm 2009,  anh đã giành được Huy chương Vàng tiết mục kéo đàn gáo. Không chỉ là nhạc công giỏi, nhiều năm nay, anh còn nhận dạy đàn cho các em nhỏ ở vùng quê xã Trường Khánh (huyện Long Phú).
Hiện nay, anh được xem là một trong những “vị chúa” của đàn gáo Khmer của tỉnh Sóc Trăng.

Bài và ảnh: THẠCH PÍCH (Nguồn: Báo Dân tộc)