Thực hiện chế độ cử tuyển: Còn nhiều bất cập

09:55 AM 11/10/2011 |   Lượt xem: 2182 |   In bài viết | 

Tại buổi làm việc, các Bộ, ngành đã báo cáo về kết quả thực hiện chế độ cử tuyển trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, hình thức đào tạo cử tuyển là chủ trương đúng đắn, thiết thực của Đảng và Nhà nước ta trong việc tạo nguồn cán bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, hằng năm, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của Nhà nước về chế độ cử tuyển; kịp thời chỉ đạo ban dân tộc các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh tuyển sinh, bảo đảm tuyển chọn đúng đối tượng và khu vực theo quy định.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, từ năm 2007 đến nay, hình thức đào tạo cử tuyển liên tục không đạt chỉ tiêu và càng ngày càng thấp. Năm 2007, thực hiện được 89,7% thì, đến năm 2010 chỉ còn 71,6%. Năm 2007, có 50 tỉnh, thành phố đăng ký chỉ tiêu cử tuyển, đến tháng 9/2011 chỉ có 32 tỉnh đăng ký. Trong số các chỉ tiêu được cử tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành sư phạm chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là ngành y, kinh tế, kỹ thuật và nông-lâm. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chỉ tiêu đạt thấp là do các địa phương phải tự chi trả kinh phí đào tạo, trong khi kinh phí đào tạo ngày càng tăng.
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát tại một số địa phương, các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ cử tuyển. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc sử dụng học sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển, mặc dù trách nhiệm của các địa phương đã được quy định cụ thể. Có địa phương, học sinh sau khi tốt nghiệp, trở về nhưng địa phương không bố trí được công việc; thậm chí có những học sinh sau khi tốt nghiệp không trở về công tác tại địa phương, nhưng cũng chưa có biện pháp xử lý, bồi hoàn học phí. Đáng chú ý là tình trạng cơ cấu thành phần DTTS đi học cử tuyển thường tập trung chủ yếu vào các dân tộc có số dân đông, như: Tày, Nùng, Thái, Mường, trong khi các dân tộc ít người khác đang thiếu cán bộ, cần được đào tạo lại không có nguồn để cử tuyển. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất cân đối ngay trong đội ngũ cán bộ của các DTTS.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nêu lên thực trạng: chất lượng đào tạo học sinh cử tuyển hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyên nhân sâu xa từ việc tạo nguồn học sinh cử tuyển. Nhấn mạnh điều này, các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, các địa phương cần thống nhất nhận thức về việc thực hiện chế độ cử tuyển, cử đúng đối tượng đi học theo phương châm đào tạo cử tuyển phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Cần rà soát, thống kê các ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí nguồn lực đào tạo các ngành nghề mà địa phương đang dư thừa; cần tiếp tục nâng cao chất lượng đầu vào của học sinh cử tuyển...

(Nguồn: Báo Dân tộc) [TT: H.T.N]