Hiệu quả của hồ chứa nước trên cao nguyên đá Hà Giang
10:07 AM 26/10/2011 | Lượt xem: 2652 In bài viết |Thời gian thiếu nước sinh hoạt thường kéo dài từ tháng 10 cuối năm trước đến tháng 4 năm sau. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ hàng chục km và hứng nước nửa ngày mới đủ nước sinh hoạt dùng trong 4 -5 ngày cho gia đình. Nước chủ yếu chỉ được dùng để uống và nấu ăn. Nước ăn dùng còn hạn chế, vì vậy nước sinh hoạt cho tắm giặt trong mùa khô càng thiếu thốn hơn. Nước dùng trong sinh hoạt, người dân luôn tận dụng tối đa; một gáo nước sau khi vo gạo còn phải được tận dụng để rửa rau sau đó hứng cho gia súc uống hoặc tưới rau, rửa chân…. Không có nước tắm giặt, cán bộ xã và giáo viên cũng thường phải “nhịn tắm”, “nhịn giặt”, dồn đến cuối tuần ra phố huyện tắm giặt nhờ nhà người quen hoặc tắm trả tiền tại các dịch vụ ở thị trấn huyện. Nước dùng cho sinh hoạt đã hạn chế thì nước dành cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi còn khó khăn hơn. Trải qua bao thế hệ, đồng bào vùng cao nguyên đá chỉ luôn ao ước được hoá giải cơn khát trong mỗi mùa khô tới.
Trước thực trạng thiếu nguồn nước trầm trọng, để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho đồng bào trên vùng cao nguyên đá của Hà Giang, Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân. Từ năm 1996 -2003, nguồn vốn ngân sách được Nhà nước đầu tư khoảng 165 tỷ đồng để xây dựng 139 hệ thống cấp nước tự chảy, 23.895 bể chứa nước công cộng. Từ năm 2002, Viện Địa chất đã khảo sát, xây dựng thí điểm hồ chứa nước sinh hoạt tại xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn với dung tích 3000 m3 được chứa nước từ các mạch nước phát lộ trong mùa mưa xung quanh hồ. Qua thực tế cho thấy hồ đã phát huy khả năng chứa nước tốt, góp phần cung cấp nước cho người dân xung quanh hồ trong thời điểm mùa khô. Năm 2006 hồ chứa nước Tả Lủng huyện Mèo Vạc được xây dựng với qui mô trên 3000 m3. Từ 2 mô hình hồ chứa nước ban đầu đã khẳng định việc xây hồ chứa nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao nguyên đá là việc làm cần thiết và cấp bách.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang tháng 3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư cho Hà Giang 30 hồ chứa nước với kinh phí 137 tỷ đồng. Trên vùng cao nguyên đã được xây dựng các hồ chứa nước như: Ha Bua Đa tại xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn có dung tích 10.000 m3, hồ Sủng Nhì B tại xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc có dung tích 9.000 m3, hồ Súa Cán Tỷ của xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ có dung tích trên 7.000 m3… kịp thời giải quyết cơn khát của đồng bào trong mùa khô.
Từ những mô hình hồ chứa nước sinh hoạt hiệu quả, đến nay trên vùng cao nguyên đá đã có 91 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 516.000 m3 đang được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 1000 tỷ đồng. Hiện nay đã có 37 công trình đã hoàn thành, 40 công trình đang thi công, 14 công trình chuẩn bị xây dựng. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, khi 91 hồ chứa nước hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho 1/3 dân số của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.
Việc xây dựng hồ chứa nuớc sinh hoạt trên vùng cao nguyên đá đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, điểm đầu tư có nơi chưa phù hợp, thiếu sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, một số hồ chứa nước mưa chưa đảm bảo vệ sinh, nhiều hồ tích tụ bùn đất, rong tảo… làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước chưa được qui định cụ thể, rõ ràng đã làm giảm hiệu quả của các công trình có ý nghĩa quan trọng trên vùng cao nguyên đá của Hà Giang.
Phạm Văn Phú