Quy tụ dân cư - điểm nhấn quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Mèo Vạc
11:03 AM 14/11/2011 | Lượt xem: 2373 In bài viết |Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá nằm trong quần thể cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang. Dân số của huyện có trên 70.580 người, gồm 16 dân tộc anh em, phân bổ ở 19 thôn bản của 17 xã, thị trấn, trong đó dân tộc Mông chiếm chủ yếu (78%). Với địa hình hiểm trở, chủ yếu là núi đá, độ dốc lớn, vì vậy dân cư phân bố không đồng đều, các hộ dân cư trú chủ yếu trên các sườn núi cao, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao chiếm 35,8%, điều kiện sản xuất gặp vô vàn khó khăn nhất là thiếu đất canh tác và nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn đó, nhằm triển khai xây dựng thành công nông thôn mới, huyện Mèo Vạc đã đề ra giải pháp trong giai đoạn từ 2010 – 2015 là hoàn chỉnh qui hoạch tổng thể về qui tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí Quốc gia và các tiêu chí bổ sung của tỉnh về nông thôn mới.
Một trong những giải pháp đưa ra là cần ưu tiên xây dựng đường giao thông liên thôn và giao thông nông thôn loại B; hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm. Huyện chủ động giao cho các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm triển khai và thực hiện, thu hút các nguồn đầu tư vào địa bàn huyện. Bên cạnh đó, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo qui hoạch, gắn qui tụ dân cư với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; bảo vệ an ninh trật tự, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015 có 15% số thôn bản đạt tiêu chí nông thôn mới (tương đương 27 thôn bản), 12% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới gồm: thị trấn Mèo Vạc và xã Tả Lủng. Đây là các địa phương thuận lợi về đường giao thông, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nổi trội hơn so với các địa phương khác. Huyện tiến hành qui hoạch bố trí, sắp xếp lại 556 hộ dân cư đang sinh sống ở vùng có nguy cơ bị thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, vùng biên giới, vùng xung yếu và các vùng dân cư sống rải rác, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra (chủ yếu là sạt đất và lở núi), không để các hộ dân làm nhà phân tán không theo qui hoạch theo cụm và khu dân cư. Qua đó, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái. Thực hiện bố trí dân cư có trọng điểm, đi đôi với phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với qui tụ dân cư, huyện Mèo Vạc xác định: Cần đa dạng hoá các nguồn vốn huy động nhằm triển khai thực hiện có trọng điểm và hiệu quả; chủ yếu dựa vào nguồn lực của các chương trình như Nghị quyết 30a, Quyết định 193, Quyết định 167/TTg…; phát huy nội lực, tuyên truyền nhân dân tham gia đóng góp mở đường dân sinh, tham gia hiến đất để làm đường nội thôn và xây dựng các công trình phúc lợi. Phân rõ đối tượng và mức hỗ trợ từ ngân sách đối với các chương trình, dự án. Phân cấp tối đa cho các xã, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia thực hiện và hưởng lợi từ dự án, đồng thời cần có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên trách để quản lý và triển khai chương trình qui tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện Mèo Vạc.
Phạm Văn Phú