Ngày hội của đồng bào Khmer Nam Bộ

12:11 PM 06/12/2011 |   Lượt xem: 1768 |   In bài viết | 
Mùa vui phum - sóc

Trong các chương trình của ngày hội, có lẽ sôi nổi và hấp dẫn nhất là Lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra tại chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) vào ngày 2.12.

Theo truyền thống, giải đua bò thường diễn ra vào dịp Lễ Đôn ta của đồng bào Khmer (từ ngày 1 đến 15.10) nhưng năm nay, Ban tổ chức quyết định dời vào đúng thời điểm Lễ hội VHTTDL để khách phương xa có dịp thưởng thức môn thể thao đặc sắc của đồng bào Khmer Bảy Núi.

Đã có gần 40.000 khán giả đến xem 64 đôi bò tranh tài, đông gấp 3 – 4 lần so với những năm trước. Đây là lần đầu tiên, bên cạnh các đôi bò vùng Bảy Núi, các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Campuchia) cũng cử vận động viên tham gia thi đấu để học hỏi kinh nghiệm.

Nếu như đồng bào Khmer Bảy Núi đã cống hiến cho các tỉnh bạn màn trình diễn đua bò hấp dẫn thì họ lại thưởng thức Lễ hội đua ghe ngo lần đầu tiên diễn ra tại An Giang. Sự quyết tâm của hơn 400 vận động viên Khmer đến từ các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và TP.Cần Thơ đã làm cho tuyến kênh Trà Sư (huyện Tịnh Biên) luôn sôi động. Với sự cổ vũ nhiệt tình của hơn 50.000 khán giả trong và ngoài tỉnh, các vận động viên đã thi đấu hết mình, làm hài lòng người xem.

Ngày hội lớn

Bên cạnh 2 môn đua bò và đua ghe ngo được xem là điểm nhấn, đồng bào Khmer 12 tỉnh còn tham gia tranh tài ở các môn: Bóng đá mini, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, chạy việt dã và đội cờ om lấy nước.

Bên cạnh các môn thi đấu thể thao dân tộc, tại Khu công nghiệp Xuân Tô (huyện Tịnh Biên), hàng chục nghìn du khách đã có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở mỗi gian hàng, mô hình của từng tỉnh. Xen lẫn là các sân khấu biểu diễn nghệ thuật quần chúng.

Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ V diễn ra từ ngày 1 đến 4.12, thu hút sự tham gia của 12 tỉnh, thành có đồng bào Khmer sinh sống: An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP.HCM và Cần Thơ.“Họ hát bằng tiếng Khmer, tuy tôi không hiểu nội dung, nhưng họ múa rất đẹp. Tôi và mấy người bạn cũng vào múa chung, vui lắm”- anh Nguyễn Hoàng Luân, đến từ tỉnh Hậu Giang, không giấu được niềm vui. Còn tại sân khấu chính, hàng nghìn diễn viên tham gia hát múa truyền thống, trình diễn trang phục dân gian Khmer, kèm theo đó là những màn bắn pháo hoa rực rỡ…

Do ảnh hưởng lũ lớn, khiến giá rau màu tăng cao. Nhờ địa thế cao nên bà con Khmer Bảy Núi vẫn yên tâm sản xuất. Chỉ với 2 công đất (2.000m2) trồng ớt cặp theo chân núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang), vợ chồng chị Néang Sa Ra đạt lợi nhuận vụ này gần 30 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. “Thời điểm này rảnh rỗi, gia đình tôi kéo nhau đi dự hội. Đây là năm đầu tiên An Giang đăng cai tổ chức mà, người ta ở xa còn đến, mình ở tại chỗ không đi uổng lắm”- chị Néang Sa Ra chia sẻ.

Đã lâu lắm rồi, đồng bào Khmer Bảy Núi – An Giang mới có dịp gặp gỡ, giao lưu với người Khmer khắp các tỉnh Nam Bộ, làm cho tình đoàn kết trong đồng bào ngày càng thắt chặt hơn.

Thoại Giang (Nguồn: Dân việt)