Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc
12:37 PM 05/04/2012 | Lượt xem: 3018 In bài viết |Trong những năm qua, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa bàn trọng yếu, biên giới, vùng cao Tây Bắc được Đảng, Nhà nước quan tâm toàn diện. Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, xây dựng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể được triển khai thực hiện bằng các chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tăng cường cán bộ cho cơ sở, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, địa bàn trọng yếu, biên giới, vùng cao Tây Bắc là những nơi có địa hình hiểm trở, đất rộng, người thưa, dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn khó khăn, tình hình an ninh chính trị còn những diễn biến phức tạp…
Trước tình hình đó, các tỉnh vùng Tây Bắc đã tăng cường công tác cán bộ xuống cơ sở, nhất là với địa bàn trọng yếu, biên giới, vùng cao của từng địa phương. Đồng thời đã nỗ lực củng cố hệ thống chính trị cơ sở với việc phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cả về số lượng và chất lượng tạo nên sự chuyển biến tích cực của chính quyền cơ sở. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng với phương châm hướng mạnh về cơ sở, xây dựng lực lượng nòng cốt thực hiện “ba cùng” với nhân dân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tăng cường cán bộ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và vận động quần chúng ở địa bàn trọng yếu, biên giới, vùng cao Tây Bắc vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, nhất là không để xảy ra bị động, bất ngờ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Từ những vấn đề đặt ra với công tác này, Ban Chỉ đạo cũng đề ra các nhóm giải pháp về củng cố hệ thống chính quyền cơ sở; nhóm giải pháp về tăng cường công tác cán bộ; nhóm giải pháp về vận động quần chúng và nhóm giải pháp về phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn trọng yếu, vùng cao, biên giới.
Theo Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng đã thu được những kết quả tích cực, nhất là việc tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã vùng cao, biên giới, giữ ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Văn Cường đề xuất các tỉnh dành ngân sách để thu hút nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản về công tác tại xã. “Mỗi tỉnh thay vì làm một công trình vài chục tỷ đồng thì hãy dành số tiền ấy tài trợ, bồi dưỡng cán bộ trẻ về cơ sở cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của địa phương”, ông Cường hiến kế.
Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh về tăng cường cán bộ huyện xuống xã để cán bộ xã đi học nâng cao trình độ và ban hành nghị quyết về Chi bộ cụm bản được làm thí điểm ở một số huyện của Sơn La thời gian qua đã thu được hiệu quả cao.
Nêu cách làm cụ thể của Hà Giang, Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh cho biết, việc tăng cường, luân chuyển cán bộ các cấp của Hà Giang được tiến hành thường xuyên, gồm “luân chuyển dọc” là dưới lên và trên xuống và “luân chuyển ngang” là xã này sang xã khác. Đồng thời, Hà Giang cũng thực hiện việc đưa “cán bộ xã lên học việc ở huyện” khoảng 6 tháng, “cán bộ thôn lên học việc ở xã” khoảng 1 tháng.
Bên cạnh đó, củng cố hệ thống chính trị, kiện toàn chức danh ở thôn bản, có phụ cấp, xây dựng nhà văn hoá thôn bản kiêm trụ sở thôn, do đó hệ thống chính trị hoạt động tốt.
Đối với chi bộ yếu thì cử giáo viên, biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn bản, phát huy vai trò của người có uy tín ở cấp thôn, xã, huyện, vùng để vận động quần chúng.
Ông Triệu Tài Vinh cũng mạnh dạn kiến nghị, cần có chính sách đặc thù cho cán bộ có tuổi, năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc nghỉ hưu trước tuổi để thay thế cán bộ trẻ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các đại biểu địa phương đã đem đến những mô hình tốt, cách làm hay để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc.
Đồng chí nhấn mạnh, củng cố hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là ở vùng cao, biên giới. Do vậy, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần coi đây là nhiệm vụ lớn, thường xuyên, phấn đấu xoá bỏ tình trạng thôn bản “trắng” chi bộ, đảng viên ở một số thôn bản hiện nay. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát hệ thống chính quyền cơ sở, phân loại cụ thể để tăng cường nguồn lực, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng cao, biên giới phải được đặt lên hàng đầu và quan tâm kịp thời nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Đặc biệt, cần gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để không xảy ra các tình huống bất ngờ về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con nhân dân một cách phong phú, đa dạng và hiệu quả như tuyên truyền bằng tiếng dân tộc của bà con, đưa cán bộ tâm huyết về cơ sở…
Theo Báo điện tử Chính phủ [TT: N.K.T]