Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội

02:52 AM 17/04/2012 |   Lượt xem: 2433 |   In bài viết | 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự phiên họp.

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách về bảo trợ xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày cho thấy, hiện nay hệ thống chính sách bảo trợ xã hội nước ta đang từng bước được hoàn thiện đa dạng về hình thức, nội dung chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục, nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội… Đồng thời, chính sách đã từng bước thể chế hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật, bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, từng bước đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Việc xác định đối tượng, chế độ chính sách đã được quy định cụ thể, thủ tục và chi phí hành chính từng bước được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, cũng như đối tượng tiếp cận chính sách.

Tuy nhiên, ý kiến tại phiên họp cũng chỉ ra một số hạn chế như: mức độ bao phủ chính sách xã hội hóa còn thấp; các chế độ chính sách mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần các nhu cầu thiết yếu tối thiểu của đối tượng. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hiện tại mới chỉ có chính sách bảo trợ với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được quy định trong luật; công tác thống kê, rà soát nắm đối tượng ở các địa phương, cơ sở chưa thường xuyên chặt chẽ, còn bỏ sót đối tượng… Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp, ngành, của xã hội còn hạn chế; chưa có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội.

Trong giai đoạn tới, Bộ xác định mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương đồng với các chính sách xã hội khác, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cải cách thể chế hành chính…

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu còn băn khoăn về giải pháp đồng bộ cho đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; các biện pháp được Bộ triển khai cho đối tượng chưa được hưởng bảo trợ xã hội như người đơn thân, nuôi con, thuộc diện hộ nghèo…; cơ chế phối hợp giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội với các bộ, ngành liên quan trong công tác thực hiện bảo trợ xã hội... Liên quan đến công tác thống kê, một số đại biểu đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần sửa đổi, bổ sung chế độ thống kê; hệ thống chỉ tiêu thống kê phải đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu của Bộ và chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định chính sách bảo trợ xã hội là hoàn toàn đúng đắn, bảo đảm tính nhân văn trong hệ thống xã hội nước ta. Chính sách bảo trợ xã hội đã đi sát, hướng về phía người thụ hưởng chính sách; thể hiện tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện bảo trợ xã hội còn chưa kịp thời; mạng lưới cơ sở hạ tầng thực hiện bảo trợ xã hội còn yếu kém… Do vậy, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội rà soát lại các văn bản pháp luật về đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội; rà soát và xây dựng các quy chế phối hợp giữa ngành, các tổ chức và đoàn thể nhân dân trong thực hiện chính sách. Trong quá trình thực hiện có sự rút kinh nghiệm để tìm giải pháp nâng cao chất lượng bảo trợ xã hội…/.

(Theo TTXVN)