Những bất cập trong xét tuyển thí sinh các huyện nghèo
03:38 AM 24/07/2012 | Lượt xem: 2426 In bài viết |Tuy nhiên, đến nay, điểm mới mang ý nghĩa an sinh xã hội này lại đang phát sinh nhiều bất cập do những quy định thiếu chặt chẽ và mỗi trường ÐH, CÐ thực hiện một kiểu.
Ðiểm mới của quy chế tuyển sinh năm 2012 quy định, thí sinh người dân tộc thiểu số hoặc có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường ÐH, CÐ xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Sau khi nhập học, những thí sinh này được học bổ sung kiến thức một năm trước khi học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường ÐH, CÐ quy định. Việc bổ sung kiến thức, Bộ GD và ÐT đưa ra một số phương án như: Các trường ÐH có trường phổ thông hoặc có kinh nghiệm dạy bồi dưỡng kiến thức cho học sinh thì tổ chức dạy tại trường; các trường không thể tổ chức có thể gửi về trường dự bị dân tộc hoặc phối hợp trường phổ thông nào đó có uy tín trên địa bàn...
Thực tế công tác tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, các địa phương vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ đỗ vào ÐH, CÐ hằng năm rất thấp. Vì vậy, việc xét tuyển học sinh các huyện nghèo là chủ trương đúng đắn, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn có thể tiếp cận giáo dục ÐH, CÐ mà còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao chất lượng GD cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vì lo ngại công tác xét tuyển và học bổ sung kiến thức có nhiều khó khăn, cho nên các trường ÐH thực hiện quy chế không thống nhất. Nhiều trường
ÐH không xét hoặc "lập hàng rào" bằng các tiêu chí khắt khe khiến học sinh các huyện nghèo khó có thể đăng ký, vì vậy sự cải tiến trong quy chế tuyển sinh mang ý nghĩa xã hội sâu sắc gần như bị "vô hiệu hóa". Ðiển hình như Trường ÐH Ngoại thương, thông báo trên trang thông tin điện tử chỉ xét tuyển học sinh "xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT loại giỏi". Trong khi đó, Trường ÐH Lâm nghiệp, một trường đào tạo nhiều ngành phù hợp phát triển nhân lực khu vực miền núi cũng đưa ra điều kiện phải có Bằng tốt nghiệp loại khá trở lên nếu học sinh đăng ký xét tuyển tại cơ sở đào tạo tại Hà Nội...
Theo hiệu trưởng một số trường THPT các huyện nghèo, việc học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đi học, đỗ tốt nghiệp đã là "thành tích" rồi chứ nói gì đến chuyện cả ba năm học THPT và tốt nghiệp đều đạt loại giỏi. Bởi vì chưa nói đến các điều kiện nâng cao chất lượng, chỉ riêng chất lượng "đầu vào" của học sinh các trường THPT đã rất thấp. Thông thường những học sinh có học lực khá, giỏi khi học hết THCS đã được tuyển vào các trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh hoặc các trường chuyên biệt. Vì vậy, học sinh học trường THPT ở các huyện số đông có học lực trung bình. Việc đưa ra điều kiện như Trường ÐH Ngoại thương, Lâm nghiệp... chẳng khác nào "đánh đố" thí sinh và là một kiểu "lách" quy chế tuyển sinh. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Mục Bố (Pắc Nặm - Bắc Cạn) Cà Thị Hoan, phần lớn các Trường ÐH ở Hà Nội không xét tuyển hoặc đưa ra các điều kiện khắt khe mà học sinh huyện nghèo khó đáp ứng. Vì vậy, trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay, ngoài 176 hồ sơ xét tuyển theo quy định, trường vẫn có 215 hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh. Vì vậy, trong các đợt thi, học sinh của trường vẫn phải "lều chõng" đi thi với mong muốn được học ở trường ÐH theo đúng nguyện vọng.
Không chỉ thiếu chặt chẽ trong quy định xét tuyển mà quy định học bổ sung kiến thức một năm sau khi học sinh huyện nghèo được xét trúng tuyển cũng khiến cho nhiều trường ÐH, CÐ bị động, lúng túng. Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Lê Hữu Lập cho biết, học viện chỉ có hai học sinh thuộc diện xét tuyển đăng ký, nếu nhận và tổ chức cho học bổ sung kiến thức tại trường thì nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô cả một năm chỉ dạy cho hai học sinh sẽ quá lãng phí, không phù hợp. Còn nếu phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn mà chỉ có một, hai học sinh theo học thì không biết trường nào có thể nhận. PGS, TS Vũ Ðức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ÐH Quốc gia Hà Nội) lại băn khoăn: Việc phối hợp với các trường THPT trên địa bàn, không biết lấy kinh phí từ nguồn nào để chi trả và các trường THPT chắc cũng không muốn nhận việc này.
Ðể quy định xét tuyển học sinh các huyện nghèo được bảo đảm công bằng, ông Lê Hữu Lập cho rằng, quy chế mới là cần thiết, các trường không nên đưa ra các "rào cản". Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả quy định nói trên, việc dạy bổ sung kiến thức một năm cho học sinh nếu để các trường ÐH tự lo sẽ khó khăn và không hiệu quả. Bộ GD và ÐT nên thống nhất cho học sinh các huyện nghèo vào học bổ sung kiến thức một năm ở các trường dự bị ÐH sẽ hợp lý hơn. Vì các em học tập trung số lượng đông sẽ dễ mở lớp, đồng thời các trường dự bị ÐH có các điều kiện phù hợp cũng như kinh nghiệm trong dạy bổ túc kiến thức. Thực tế hằng năm, các trường ÐH vẫn tiếp nhận sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi học dự bị ÐH vào học chính thức khá hiệu quả thì việc tách thí sinh các huyện nghèo để các trường ÐH tự bổ sung kiến thức là không phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga, một số trường "tốp trên" đặt "rào cản" yêu cầu học sinh phải có học lực và tốt nghiệp khá, giỏi thì rất hiếm học sinh ở các huyện nghèo có thể đạt được tiêu chuẩn như vậy. Tuy nhiên, trường ÐH ở các địa phương hoặc ÐH vùng thì không tạo rào cản. Thí dụ, ÐH Ðà Nẵng có 147 hồ sơ xét tuyển thí sinh ở các huyện nghèo. Thực tế, năm nay, Bộ GD và ÐT chưa hình dung được số lượng học sinh các huyện nghèo đăng ký xét tuyển sẽ như thế nào, nên giao các trường đặt tiêu chuẩn xét tuyển. Do vậy, kỳ thi, tuyển sinh tiếp theo, rút kinh nghiệm, Bộ GD và ÐT sẽ có điều chỉnh, đưa ra các tiêu chí, quy định cụ thể để các trường thống nhất việc xét tuyển học sinh huyện nghèo, và có cơ chế bổ sung kiến thức phù hợp, công bằng.
(Theo Nhandan.com.vn)