Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

02:39 AM 14/09/2012 |   Lượt xem: 2418 |   In bài viết | 

Theo báo cáo, từ năm 2002 đến năm 2011 có 558.485 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cần thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (chưa tính số hộ cần hỗ trợ theo các chương trình tái định cư thuộc các dự án thuỷ điện và khu kinh tế quốc phòng), trong đó giai đoạn 2002 -2008 có 421.405 hộ, số hộ phát sinh trong giai đoạn 2009 -2011 là 137.080 hộ.

Các địa phương đã hỗ trợ được 231.576 hộ/558.485 hộ đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn. Số hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ (2012 -2016) là 326.909 hộ; trong đó, số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ, số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ.

Tổng số Ngân sách Trung ương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS theo các chính sách, chương trình, dự án... từ năm 2002 đến năm 2011 là 23.009,4 tỷ đồng.

Về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến ngày 15/6/2012 cả nước đã cấp được 35.458.000 giấy chứng nhận các loại với tổng diện tích 20.385.000 ha. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số cả nước đã cấp được 3.386.300 giấy chứng nhận đất nông nghiệp, với diện tích khoảng 5.837.600 ha và khoảng 1.702.000 giấy chứng nhận đất ở, với diện tích khoảng 94.000 ha.

Việc cấp GCNQSDĐ cho đồng bào DTTS nói chung trong giai đoạn (2002- 2011) đạt khá cao. Tuy vậy, ở một số địa phương vùng dân tộc thuộc khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ cấp GCNQSDĐ đạt còn thấp. Cá biệt, có nơi đến nay vẫn chưa cấp được GCNQSDĐ cho các hộ DTTS thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.

Như vậy, theo đánh giá của Chính phủ, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là chính sách đúng đắn, thiết thực, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất... Chính phủ cũng đã đầu tư nhiều nguồn lực và huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và các nguồn lực hợp pháp khác.

Hiệu quả của chính sách không chỉ giải quyết những khó khăn, bức xúc về kinh tế trước mắt, hỗ trợ trực tiếp cho công tác xóa đói, giảm nghèo, khắc phục thiên tai, gắn kinh tế với quốc phòng; mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội sâu sắc. Góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất vẫn còn khó khăn, bất cập; tỷ lệ đạt thấp so với kế hoạch được duyệt. Điều đó, nổi lên một số vấn đề cụ thể như: Nguồn lực của nhà nước phân bổ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu theo kế hoạch; Cơ chế chính sách của một số quyết định có điểm chưa phù hợp, có mặt còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, có nội dung khó thực hiện chậm được sửa đổi; Nhận thức về việc thực hiện chính sách cũng còn có mặt bất cập; Giá cả thị trường đất đai biến động ở mức cao so với khung giá của nhà nước; trong khi định mức hỗ trợ và vốn vay để thực hiện chính sách quy định tại các quyết định hiện hành có nội dung chưa phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời theo sự biến động của thị trường...

Theo đánh giá của Đoàn giám sát và các bộ, ngành liên quan thì kết quả, ý nghĩa quan trọng nhất của chính sách này là: hàng trăm ngàn hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; phấn khởi, tích cực sản xuất, nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống; xuất hiện một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, chuyển nghề hiệu quả. Một số điểm định canh định cư và tái định cư, khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; tình đoàn kết các dân tộc, niềm tin của đồng bào các dân tộc ở vùng khó khăn, vùng biên giới với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất - chính sách quan trọng hàng đầu đối với hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách, đầu tư nhiều nguồn lực, thời gian, nhưng đến nay, vẫn còn trên 300.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002 - 2008). Tồn tại trên, đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn; vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang tiềm ẩn những bất ổn, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác của cả nước.

UBTVQH cho rằng, giải pháp quan trọng đặt ra hiện nay là quy hoạch và phân bố lại nguồn lực đất đai, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất, giao cho các hộ DTTS nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất; tăng cường hỗ trợ đất khai hoang phục hóa và cũng phải tính đến việc mua đất cho người dân. Bên cạnh đó là hạn chế tình trạng chuyển nhượng vì thực tế có những hộ tái thiếu đất do sang nhượng hoặc được giao đất nhưng di chuyển đi nơi khác, nhận đất nhưng không sử dụng... Trong tình hình hạn chế về nguồn đất, căn cơ nhất là chuyển hướng sang tạo việc làm, dạy nghề; tiếp tục các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào.

UBTVQH cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết với 3 nội dung: Khẳng định kết quả cuộc giám sát; yêu cầu Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém, tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; mục tiêu, giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng 300.000 hộ DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Giao trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai trong vùng DTTS khi sửa đổi Luật đất đai và một số luật liên quan...

(Theo Dangcongsan.vn)