Kon Tum: Hội đồng dân tộc của Quốc hội làm việc về thực hiện chính sách đối với các dân tộc rất ít người
03:28 AM 21/09/2012 | Lượt xem: 2353 In bài viết |Trong các ngày từ 17-19/9, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khoá XIII do đồng chí Triệu Thị Nái - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc làm trưởng đoàn, đã về làm việc với tỉnh Kon Tum về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội 2 dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh là B'râu và Rơ Măm.
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, tỉnh Kon Tum có 2 dân tộc rất ít người trong tổng số 9 dân tộc rất ít người (dưới 10.000 người) trong cả nước là B' râu và Rơ Măm. Dân tộc B'râu sống tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi với dân số khoảng 425 người/117 hộ; còn dân tộc Rơ Măm cư trú tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy với dân số 405 người/104 hộ.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn 2005-2010, được Nhà nước triển khai hai Đề án hỗ trợ hai dân tộc Rơ Măm và B`râu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng nên đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể. Bà con đã được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện, phát triển ổn định, bền vững; việc học tập được thuận lợi; sức khoẻ được chăm sóc tốt hơn, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và dần dần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo đà cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trong khu vực.
Hiện tại hai làng này (Đăk Mế và Le) cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ như đường giao thông được thảm nhựa, trường học kiên cố, nhà mẫu giáo, nhà Rông…Đến năm 2011, đã hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố được 134 căn (dân tộc B'râu 99 căn, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà; dân tộc Rơ Măm 35 căn, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà); nước sinh hoạt sử dụng giếng đào, 95% số hộ được dùng điện thắp sáng…
Trong thời gian qua, ngành giáo dục – đào tạo đã quan tâm trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và có chính sách hỗ trợ cho học sinh các cấp. Hiện dân tộc Rơ Măm có 126 học sinh, dân tộc B'râu có 111 học sinh đang theo học từ bậc mầm non đến THPT.
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đã có một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương như: Tiếp tục đưa hai dân tộc trên vào diện hưởng chính sách đối với dân tộc dưới 1000 người để phát triển sản xuất bền vững, nâng cao đời sống giai đoạn 2011- 2015 và giai đoạn 2016- 2020; cho chủ trương lập dự án đầu tư, hỗ trợ với những nội dung phù hợp có chiều sâu, nhằm hỗ trợ phát huy tính bền vững của dự án đã đầu tư. Có chính sách hỗ trợ một số dân tộc thiểu số sống ở vùng nội và ngoại đô thị còn gặp nhiều khó khăn không có đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm…để giảm khoảng cách giữa các dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn. Bố trí kinh phí (khoảng 51,2 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng dự án các dân tộc có dân số dưới 1000 người giai đoạn 2011- 2012 trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Uỷ ban Dân tộc cho chủ trương điều tra, rà soát xây dựng đề án tiếp tục đầu tư hỗ trợ dân tộc Rơ Măm, B'râu giai đoạn 2011- 2015 và giai đoạn 2016- 2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Triệu Thị Nái đã ghi nhận và biểu dương những thành quả bước đầu tỉnh Kon Tum đạt được sau 05 năm (2005- 2010) triển khai Đề án hỗ trợ hai dân tộc rất ít người trên và sau nhiều năm thụ hưởng các chính sách khác của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề nghị các ban, ngành liên quan của tỉnh Kon Tum cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm tra hiệu quả của các dự án mang lại cho bà con, qua đó đánh giá thật cụ thể, chi tiết và chính xác những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn để triển khai trong những giai đoạn sau được tốt hơn, đặc biệt là hai đề án hỗ trợ phát triển dân tộc rất ít người là B' râu và Rơ Măm…
Trước đó, trong hai ngày 17 và 18/9, đoàn đã đi thăm thực tế hai dân tộc Rơ Măm tại làng Le (huyện Sa Thầy) và dân tộc B'râu ở làng Đăk Mế (huyện Ngọc Hồi).
Theo ĐCSVN