Đắk Lắk ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hướng tới phát triển bền vững

04:15 AM 09/10/2012 |   Lượt xem: 2514 |   In bài viết | 

Là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, có Trường đại học và một số viện nghiên cứu trung ương đóng trên địa bàn, Ðắk Lắk có lợi thế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế cuộc sống. Tuy còn khiêm tốn, nhưng ba năm qua (2009 - 2011) như Sở Khoa học và Công nghệ Ðắk Lắk cho biết: Ðã triển khai, thực hiện khoảng 40 đề tài, dự án các cấp. Trong đó có hai dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi của Nhà nước, một nhiệm vụ KH và CN cấp thiết đột xuất, 35 đề tài KH và CN cấp tỉnh... với số đề tài, dự án ứng dụng có hiệu quả vào đời sống sản xuất, kinh doanh đạt 65 đến 70%, phần lớn tập trung ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Hơn 20 năm qua, Ðắk Lắk là một trong các tỉnh đứng đầu Tây Nguyên về phát triển cây cà-phê với diện tích hàng trăm nghìn ha. Cùng với bơ trái dakado, những năm qua cà-phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở thị trường trong nước và nước ngoài. Cây cà-phê thật sự là cây chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu của một bộ phận người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, sau chế biến vỏ cà-phê và các phụ phẩm của nó không được xử lý triệt để, tích trữ lâu ngày đã gây ô nhiễm môi trường ở không ít buôn, làng. Triển khai, thực hiện Dự án "Sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp" do Trung tâm ứng dụng KH và CN Ðác Lắc chủ trì, vài năm gần đây đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 350 nghìn đến 400 nghìn tấn phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà-phê và các phụ phẩm nông nghiệp. Ứng dụng kết quả này không chỉ tạo ra nguồn phân bón từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương với chi phí sản xuất thấp mà còn góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Phối hợp Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, hơn hai năm qua, Ðắk Lắk chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao tại một số huyện trong tỉnh. Dự án đã xây dựng quy trình áp dụng cho các loại bò cái nền lai sin, các nhóm bò Brahman, Limusine... từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi ở các quy mô trang trại hộ gia đình từ hai đến 20 con. Ðiều đáng chú ý là đi theo quy trình này bò sinh trưởng tốt, bởi sau một năm trọng lượng đạt từ 140 đến 160 kg/con, sau 18 tháng đạt từ 200 đến 300 kg/con và đến 24 tháng có thể nâng lên 320 đến 350 kg/con; trong đó tỷ lệ thịt xẻ đạt 51 - 54%. Mặt khác, những năm qua ở các quy mô khác nhau, Ðắk Lắk cũng đẩy mạnh công tác chuyển giao và nhân rộng công nghệ sản xuất các giống cây cà-phê, cây bơ, bắp lai, các loại nấm ăn và nấm dược liệu... có năng suất và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh của nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, như đánh giá của đồng chí Y Ðhăm E Nuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Mà điều dễ thấy là phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tình trạng khá nhiều đề tài, dự án KH và CN được nghiệm thu đạt kết quả cao nhưng chưa được đưa vào triển khai, ứng dụng trong thực tế đời sống. Công tác xã hội hóa các hoạt động KH và CN, trong đó có việc thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Không ít nơi trong tỉnh, người dân vì các lý do khác nhau chưa quan tâm việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà vẫn làm ăn theo lối cũ cho nên không ít nơi thuộc các huyện, M’Ðrắc, Krông Pác, Cư Kuin tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%. Ngoài ra từ năm 2010 đến nay một số dự án KH và CN ở Ðắk Lắk được phê duyệt và ghi vốn đầu tư nhưng vì một số lý do, trong đó có việc thay đổi cơ chế điều hành nguồn vốn đầu tư của Chính phủ đã phần nào làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án.

Sau hơn 20 năm kết thúc chương trình Tây Nguyên 2 "Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên", Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư góp phần đưa các tỉnh khu vực này, trong đó có Ðắk Lắk đạt mức tăng trưởng kinh tế 9 đến 11% năm. Song nhìn nhận một cách nghiêm túc, Ðác Lắc đang đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ suy thoái tài nguyên diễn ra nhanh chóng (khai thác và sử dụng đất chưa hợp lý, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt nguy cơ cạn kiệt, nạn phá rừng chưa được ngăn chặn kịp thời khiến đa dạng sinh học ngày càng suy giảm...), tình trạng di dân tự do kéo theo các hệ lụy nhưng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả... đã và đang ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tỉnh. Nhận thức được vai trò và tác động của KH và CN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế  - xã hội của địa phương, Ðắk Lắk đang tìm các giải pháp, thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời coi trọng đổi mới phương thức tuyển chọn các đề tài, dự án theo cách "đặt hàng". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ðhăm E Nuôl cho biết: Từ năm 2012, Ðắk Lắk tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai gắn với bảo vệ môi trường, ngăn chặn suy thoái nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn nhất là nghiên cứu, tìm các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc năm huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh; xây dựng bản đồ mạng (WEBMAP) phục vụ canh tác cây cà-phê năng suất, chất lượng cao tại tỉnh... Ðây là những vấn đề khó, phức tạp và tiến hành trong nhiều năm. Cho nên một mặt tỉnh đầu tư để nâng cao tiềm lực hoạt động của ngành KH và CN trên địa bàn (xây dựng trại thực nghiệm KH và CN, khu công nghệ sinh học và nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao...); mặt khác tăng cường hợp tác, liên kết với các đơn vị khoa học lớn ở trung ương nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra của tỉnh. Trong đó, Ðác Lắc dành sự ưu tiên phối hợp các viện chuyên ngành thuộc Viện KH và CN Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam triển khai, thực hiện các đề tài, dự án của chương trình Tây Nguyên 3, bao gồm các vấn đề khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, công nghiệp chế biến nông sản và công nghệ mới sau thu hoạch, những tai biến thiên nhiên do biến đổi khí hậu và cách phòng tránh; cũng như các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bảo tồn và phát triển nền văn hóa các dân tộc thiểu số ở Ðắk Lắk... Nhằm góp phần ổn định và phát triển một cách bền vững nền kinh tế - xã hội tại địa phương, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Theo Nhân dân