Nguy cơ tái nghèo và sự thiếu hụt chính sách cho hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc và miền núi

02:34 AM 23/10/2012 |   Lượt xem: 2356 |   In bài viết | 

Trong khi đó, ranh giới giữa việc xác định hộ nghèo, cận nghèo rất mong manh (hộ cận nghèo có thu nhập từ 401 ngàn đồng/người/tháng đến 520 ngàn đồng/người/tháng, hộ nghèo dưới 400 ngàn đồng/người/tháng). Với sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, hiện nay các hộ nghèo được ưu đãi và thụ hưởng rất nhiều các chính sách. Một bộ phận không nhỏ các hộ nghèo được xác định là thoát nghèo trên cơ sở được nhận các hỗ trợ về công cụ, tư liệu sản xuất (máy móc, trâu, bò, giống cây trồng, vật nuôi….) hay nhà ở. Khi xác định hộ nghèo, những hỗ trợ này được tính như nguồn thu nhập của hộ nhưng thực tế đây không phải là kết quả làm ra trực tiếp của hộ. Việc xác định như vậy khiến họ không còn ở trong diện hộ nghèo, nguồn “thu nhập” này bị cắt đi, các hộ trên lập tức lại quay trở lại đối tượng nghèo.

Bên cạnh những nguyên nhân thoát nghèo do yếu tố bên ngoài tác động, cũng có một bộ phận các hộ nghèo tự lập sinh kế, duy trì được cuộc sống; tuy nhiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thoát nghèo bền vững, nhiều hộ rơi vào vòng luẩn quẩn giữa ranh giới nghèo và thoát nghèo.

Một số nguyên nhân dẫn đến việc các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo vẫn còn tái nghèo do: Các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh,… dẫn đến những nỗ lực thoát nghèo bền vững rất khó khăn để thực hiện được. Xuất hiện một bộ phận không nhỏ người nghèo phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước dẫn đến ỷ lại, không tự lực phấn đấu đi lên mà trông chờ, thậm chí mong muốn được vào diện hộ nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Khi thoát khỏi diện hộ nghèo, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo còn vướng phải một số khăn: Không định hướng được phương án sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định sinh kế thoát nghèo bền vững; Các chính sách vay vốn ưu đãi cho các đối tượng không phải là hộ nghèo ít và khó tiếp cận do lãi suất cao trong khi hộ chưa định hình rõ được phương án sản xuất, kinh doanh; Năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; Nhiều nơi vẫn theo tập quán sống không tập trung, xa chợ, xa trung tâm, gây khó khăn trong việc trao đổi và tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Các nguyên nhân trên cho thấy nguy cơ tái nghèo của các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đang sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi vẫn còn rất cao. Bên cạnh đó, hiện nay các chính sách áp dụng cho các đối tượng đang sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa có chính sách riêng, trực tiếp hỗ trợ, đầu tư cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các chính sách khác trên cơ sở hỗ trợ chính cho hộ nghèo có mở rộng thêm cho hộ cận nghèo, tuy nhiên mức độ hỗ trợ và phạm vi còn rất hạn chế, chưa tạo động lực giúp các đối tượng là hộ cận nghèo, hộ nghèo có điều kiện tốt hơn để thoát nghèo bền vững.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Uỷ ban Dân tộc đang tiến hành xây dựng Đề án Chính sách hỗ trợ các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với mục tiêu  nâng cao năng lực, tạo điều kiện tiếp cận sinh kế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế ổn định cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo. Dự kiến Chính sách sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2012.

Trần Kiên