Ngành Công tác Dân tộc: Dấu ấn năm 2012
11:01 AM 17/04/2013 | Lượt xem: 3516 In bài viết |Năm 2012, Uỷ ban Dân tộc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình kinh tế khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới; thiên tai xảy ra liên tiếp cùng những âm mưu, thủ đoạn gây mất ổn định chính trị xã hội và đe doạ chủ quyền quốc gia… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi nói riêng.
Vượt qua khó khăn, thách thức, toàn ngành đã bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc hiện hành; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách mới sát với thực tiễn nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc ở vùng miền núi, dân tộc; chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để vừa huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vừa khẳng định tính nhất quán trong quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc.
Ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt Chương trình công tác năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm toàn khoá, đặc biệt là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vấn đề nổi cộm phát sinh mới ở vùng miền núi, dân tộc. Nổi bật là đã hoàn thành dự thảo và được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016. Cùng với Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, Nghị định 84 là cơ sở pháp lý để Ủy ban Dân tộc tiếp tục cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành xây dựng dự thảo Nghị định về Tổ chức và hoạt động của Thanh tra công tác Dân tộc trình Chính phủ đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và nội dung, góp phần xây dựng hệ thống Thanh tra Công tác Dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc đã dành thời gian thoả đáng tham gia ý kiến về những vấn đề quan trọng, các chủ trương, đề án, chương trình công tác của Đảng, Chính phủ nói chung, vùng dân tộc và miền núi nói riêng như: Đề án An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP; các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác, năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã chủ động tăng cường phối hợp hoạt động với các Bộ, ngành Trung ương. Đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2012-2020 với Bộ Khoa học và Công nghệ; thống nhất phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn; phối hợp với các Bộ: Y tế, Kế hoạch-Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ rà soát các chính sách, các chương trình đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc giai đoạn 2006-2011. Kết quả làm việc có thông báo kết luận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng các Bộ hữu quan về các chính sách tiếp tục thực hiện và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020.
Xác định trong điều kiện nền kinh tế của đất nước còn gặp nhiều khó khăn Chính phủ phải tập trung nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Song nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách dân tộc vẫn được Chính phủ ưu tiên bố trí, Uỷ ban Dân tộc đã chỉ đạo sát sao, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương phân bổ vốn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án do Uỷ ban quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương. Thành công nổi bật trong năm vừa qua là đã bảo vệ và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đề nghị Chính phủ đổi tên Dự án 2 (do Uỷ ban Dân tộc quản lý) “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn” thành “Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn”. Cơ chế thực hiện Dự án này áp dụng theo cơ chế thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. So với giai đoạn II, tuy không còn hợp phần Đào tạo nâng cao năng lực và Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật nhưng tên gọi Chương trình 135 - “thương hiệu” quen thuộc khẳng định sự thành công đối với sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới của nước ta đã được khôi phục. Đây là tin vui đối với nhân dân các dân tộc thiểu số và cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng miền núi đặc biệt khó khăn.
Một số chính sách khác với vùng miền núi, dân tộc được Chính phủ bố trí vốn đầu tư trong năm 2012 tiếp tục được Uỷ ban Dân tộc quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả như: Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg; Quyết định 2472/QĐ-TTg về cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng miền núi, dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2020…
Đáng chú ý là trong công tác xây dựng chính sách, chương trình, dự án ở vùng miền núi, dân tộc, Uỷ ban Dân tộc đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2012-2015, làm cơ sở để các cơ quan chức năng áp dụng các chính sách dân tộc, các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào định canh, ổn định cuộc sống, nhất là ở những vùng nhiều núi đá, độ dốc lớn và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bộ tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 có ưu điểm đặc biệt là đã lược bớt được những chỉ tiêu định tính, lượng hóa cụ thể nhiều tiêu chí quan trọng, cũng như đã bám sát chỉ tiêu nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, bình xét và xây dựng, triển khai chính sách.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc đã công bố thủ tục hành chính mới ban hành “Xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015” thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ủy ban Dân tộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 9/12/2012. Bên cạnh đó, Uỷ ban Dân tộc tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn thay thế các Quyết định 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 và Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008.
Trên lĩnh vực đối ngoại, năm 2012 đánh dấu quá trình hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng và đi vào thực chất về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Uỷ ban Dân tộc với nhiều đối tác nước ngoài. Ủy ban Dân tộc đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác về công tác dân tộc giai đoạn 2012-2020 với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào phát triển lên tầm cao mới; ký Thỏa thuận hợp tác song phương với Bộ Phát triển Xã hội và An sinh con người Vương quốc Thái Lan, Thỏa thuận hợp tác sửa đổi về lĩnh vực công tác dân tộc với Bộ Các vấn đề về Biên giới của Mianma, Biên bản ghi nhớ với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; tiếp và làm việc với Tổng Cục trưởng Cục Phát triển Xã hội và Giảm nghèo - Bộ Xã hội, Cộng hòa Indonexia, UBDT Trung Quốc, Bang Hessen - CHLB Đức để xây dựng dự thảo và tiến tới ký thỏa thuận hợp tác vào năm 2013; làm việc với các tổ chức quốc tế (Phần Lan, Ailen, UNDP, UNICEF, JAICA…). Lãnh đạo Ủy ban đã giao cho Vụ Hợp tác Quốc tế xây dựng Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2020” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp sức cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại vùng dân tộc, miền núi.
Đặc biệt, lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc với tư cách là Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam đã đối thoại thành công với Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD) về báo cáo quốc gia của Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc giai đoạn 2000-2009; tham dự Diễn đàn Liên hợp quốc lần thứ 5 về nhân quyền, phái đoàn Việt Nam đã đấu tranh làm rõ sai trái của các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để nói xấu Việt Nam, đồng thời tranh thủ được cảm tình của các quốc gia để sang năm 2013 bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền thế giới nhiệm kỳ 2014-2016.
Đại diện lãnh đạo Uỷ ban và các vụ, đơn vị đã tham gia đoàn công tác Việt Nam đối thoại nhân quyền tại Hà Nội với Úc, Hoa Kỳ, EU, Na Uy, Thụy Sĩ; Tổ chức 2 Hội thảo quốc tế về nhân quyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, qua đó khẳng định tính nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với quyền bình đẳng các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Năm 2012 đã đi qua, với sự đổi mới phong cách làm việc, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ, Lãnh đạo Uỷ ban nên Uỷ ban Dân tộc đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ với tiến độ nhanh hơn năm 2011. Đã cơ bản hoàn thành tốt công tác tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi được triển khai kịp thời. Các chính sách dân tộc tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Năm 2013 đã tới, toàn ngành công tác dân tộc tiếp tục bắt tay vào chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác dân tộc giai đoạn 2011-2016. Nhiệm vụ nối tiếp nhiệm vụ trên nền tảng nguyên tắc “Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, vì mục tiêu để vùng miền núi, dân tộc phát triển nhanh, toàn diện bền vững và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những thành tựu đã đạt được trong năm 2012 là động lực cổ vũ, động viên toàn ngành tự tin vững bước vào năm 2013-năm bản lề của công tác dân tộc, đánh dấu nửa nhiệm kỳ tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng./.
Nguyễn Quang Hải