Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6

03:30 AM 06/06/2013 |   Lượt xem: 1952 |   In bài viết | 

Đọc diễn văn hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới tại Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu bật ý nghĩa chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” mà Liên hợp quốc đã lựa chọn cho Ngày Môi trường Thế giới năm 2013; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng lương thực, thực phẩm đối với việc bảo vệ môi trường, làm giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã khái quát hóa những thành tựu kinh tế, xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua và tác động tích cực của nó tới đời sống mọi mặt của người dân.

Tuy nhiên, đề cập đến mặt trái của quá trình phát triển, Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh đến những hệ lụy mà môi trường sống đang phải gánh chịu như: 60% rác thải, đặc biệt là ở khu vực nông thôn chưa được xử lý; 60% nước thải sinh hoạt và công nghiệp, nhất là ở khu vực đô thị vẫn đang xả thẳng ra sông ngòi, gây ô nhiễm cho nguồn nước. Trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng tràn lan phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các phụ gia vô cơ hóa học đã làm cho đất đai, nguồn nước, không khí ngày càng bị ô nhiễm. Hằng năm, theo tính toán sơ bộ, tổng thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra cho nền kinh tế nước ta ước tính chiếm 3% GDP.

Bộ trưởng cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước ta đã thông qua Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia. Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường. Nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực đã được triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn cả nước để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) đã coi vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là 3 lĩnh vực cực kỳ quan trọng, có nội dung phong phú, nhiều mặt và quan hệ mật thiết với nhau. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, trong thời gian tới, triển khai thực hiện một cách đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó có việc sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm một cách tiết kiệm là cách thiết thực nhất để thực hiện hành công Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiêu thụ hợp lý và tiết kiệm lương thực, thực phẩm trên phạm vi toàn thế giới; chỉ rõ tác hại của việc sử dụng lãng phí lương thực, thực phẩm không chỉ đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu mà còn gây nên những tác động tiêu cực tới môi trường. Đồng chí cho rằng, lãng phí lương thực, thực phẩm cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên bởi để có lương thực và thực phẩm “chúng ta phải tiêu tốn nước, phân bón và năng lượng”. Đó là vấn đề môi trường toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ ra những vấn đề môi trường mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình phát triển và những việc phải làm để bảo vệ môi trường sống hiện nay và cho những thế hệ mai sau. Theo đồng chí, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường. Hằng năm, phụ phẩm sau thu hoạch của hơn 40 triệu tấn lúa bị đốt cháy, gây ra lượng khí thải không nhỏ, góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính. Từ năm 2006 đến 2012, bình quân mỗi năm, diện tích rừng bị thu hẹp khoảng 5000ha... Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Tình trạng gây ô nhiễm môi trường trên đây cần phải được ngăn chặn từng bước, làm cho môi trường sống của chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau lành mạnh hơn, đáng sống hơn”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh những quyết sách quan trọng mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã đề ra để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng chí đề nghị chính quyền các địa phương cần có quy hoạch và kế hoạch cụ thể để xử lý chất thải; giám sát và chế tài nghiêm việc xử lý chất thải theo luật. Đồng chí đặt vấn đề: “Nếu mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp chia sẻ với chính quyền chi phí xử lý nước thải do chính mình tạo ra; nếu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất để xử lý chất thải; và nếu thanh niên đi đầu trong việc bảo vệ môi trường” thì công tác bảo vệ môi trường sống của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân biểu dương thành phố Huế là địa phương đi đầu trong cả nước với mô hình nhân dân và chính quyền cùng tham gia bảo vệ môi trường. Đồng chí dẫn chứng và đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ chế biến phân hữu cơ từ rơm rạ bằng men sinh học ngay tại ruộng, đem lại lợi ích cho bà con nông dân và bảo vệ môi trường.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, phương pháp chăn nuôi lợn mới, đang được đưa vào áp dụng tại Hà Nam và một vài địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long từ hai năm nay là một trong những tiến bộ khoa học. Đó là phương pháp chăn nuôi lợn “ba không”: không tắm, không phải rửa chuồng (hạn chế sử dụng tài nguyên nước), không thải phân lợn ra môi trường (hạn chế nguồn gây ô nhiễm).

Đề cập đến phong trào của ngành giáo dục hưởng ứng Tết trồng cây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: “Nếu mỗi học sinh lớp 12 trồng được một cây bóng mát, cây lấy gỗ hay cây chắn sóng như một hành động của một thanh niên trưởng thành, kết thúc đời học sinh của mình thì mỗi năm nước ta có thêm một triệu cây lâu năm rất có ý nghĩa”.

Nhân Ngày Môi trường Thế giới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xác định rõ mốc thời gian chấm dứt việc xả thẳng rác thải sinh hoạt ra môi trường chưa qua xử lý như hiện nay; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm phổ biến và áp dụng phương pháp chế biến phân hữu cơ ngay tại ruộng để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc đốt bỏ rơm rạ như hiện nay; khẩn trương triển khai thí điểm, tổng kết và và từng bước nhân rộng mô hình nuôi lợn “ba không” ra các địa phương; ngành Giáo dục và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm triển khai Cuộc vận động “Mỗi học sinh lớp 12 trồng 1 cây trước khi tốt nghiệp” để tăng diện tích cây xanh, tăng diện tích rừng, tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Tại Lễ mít tinh, đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đã phát biểu ý kiến.

Nhân Ngày môi trường Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2013 cho nhiều tập thể và cá nhân.

Sau Lễ mít tinh, các đại biểu và đông đảo nhân dân TP Huế đã tham gia hoạt động trồng cây hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2013 tại Khu tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung – Núi Bàn, thuộc địa phận phường An Tây, TP Huế./.

 

Tấn Vũ (Nguồn: CPV)