Tăng hỗ trợ từ ngân sách cho các nhóm cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế
02:18 AM 20/06/2013 | Lượt xem: 1990 In bài viết |Phát biểu tại hội nghị, Thứ
trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật
Bảo hiểm y tế đã từng bước đi vào cuộc sống và có tác động tích cực đến chính
sách bảo hiểm y tế (BHYT) tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Luật
vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, tồn tại như: tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp, tính tuân
thủ pháp luật về BHYT chưa cao, đối tượng tự nguyện tham gia BHYT mới chỉ đạt
24,5%; vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược" tức là chỉ có người ốm, người bị bệnh
mới tham gia BHYT.
Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu; thanh toán chi
phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT còn nhiều vướng mắc...
Bên cạnh đó, một số nội dung, điều khoản của Luật có liên quan đến thực hiện
chính sách, pháp luật về BHYT vẫn còn chồng chéo, quy định chưa cụ thể và rõ
ràng. Công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện chính sách BHYT chưa
thường xuyên, hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT; một
số địa phương chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển
kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là nhiệm
vụ quan trọng của ngành Y tế. Thông qua sửa đổi, bổ sung Luật để làm rõ hơn
nhiệm vụ của các bên liên quan. Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao vai trò
quản lý nhà nước về BHYT; khắc phục những tồn tại, bất hợp lý sau 3 năm thực
hiện Luật; đảm bảo hài hoà quyền lợi và trách nhiệm của người bệnh có BHYT, cơ
sở cung ứng dịch vụ và khả năng chi trả của Quỹ BHYT, góp phần giảm gánh nặng
chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi của cá nhân, hộ gia đình.
Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị hướng tới
bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam như: Tăng hỗ trợ từ ngân sách cho các nhóm
cận nghèo và khối lao động không chính thức; khuyến khích tham gia theo hộ gia
đình; xác định gói quyền lợi, có cơ chế chặt chẽ để hạn chế thuốc và dịch vụ
ngoài danh mục; định hướng cho bệnh nhân và bác sĩ tăng sử dụng thuốc gốc có giá
hợp lý; khắc phục tình trạng manh mún trong đấu thầu thuốc; kiểm soát kê đơn
thuốc ngoài danh mục; điều chỉnh phương thức chi trả...
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, đưa ra ý kiến về các
vấn đề liên quan đến đối tượng, hình thức tham gia BHYT; phạm vi quyền lợi, mức
hưởng BHYT, cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT; thanh toán chi phí khám
chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và
chuyển tuyến, thủ tục khám chữa bệnh BHYT.../.
Đỗ Thoa (Nguồn: CPV)