Quảng Ninh: Giảm nghèo bền vững từ những chính sách thiết thực

09:15 AM 19/07/2013 |   Lượt xem: 1678 |   In bài viết | 

Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã được chuyển giao, tạo “cần câu” cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Riêng trong năm 2012, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 586,3 tỷ đồng với trên 34.000 hộ nghèo vay.
 Trong 2 năm 2011 và 2012, bằng nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã bố trí ngân sách triển khai thực hiện 33 mô hình giảm nghèo ở các địa phương với tổng kinh phí trên 6,1 tỷ đồng.
 
 Trong đó, một số mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống, thoát nghèo cho người dân tại các địa phương như: mô hình trồng mía tím cho thu lãi 90-100 triệu đồng/ha, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà, Đầm Hà. Hay mô hình trồng nấm linh chi tại Ba Chẽ, Tiên Yên; trồng dong giềng nguyên liệu ở Bình Liêu; nuôi lợn rừng, bò sữa, cá nước ngọt…
 
 Bên cạnh đó, để hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo như: hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo; trợ giúp pháp lý; xây mới, sửa, chữa nhà cửa… Năm 2012 toàn tỉnh đã thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 132.480 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 107.170 người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các xã thuộc vùng khó khăn.
 
 Bên cạnh vốn ngân sách Nhà nước, việc xã hội hoá huy động nguồn lực thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo trong tỉnh cũng được chú trọng, như: vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”. Các hội, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực để giúp đỡ đoàn viên, hội viên thoát nghèo như phát triển các mô hình kinh tế; mô hình giúp đỡ nhau làm kinh tế của Hội Phụ nữ, phong trào nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân… Qua đó, chất lượng công tác giảm nghèo ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách bền vững. 

Thùy Trang (Nguồn: chinhphu.vn)