Bậc thầy của dàn nhạc ngũ âm Khmer
09:41 AM 21/08/2013 | Lượt xem: 2859 In bài viết |Trong giới nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng, khi nhắc đến nghệ nhân Danh Sol ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên ai cũng gọi ông là thầy. Không chỉ nổi tiếng là người chơi nhạc ngũ âm thuộc lớp lớn tuổi nhất, ông còn là người thầy dạy cách gõ dàn ngũ âm giỏi nhất của vùng phum sóc Sóc Trăng.
Đam mê từ nhỏ
Năm nay nghệ nhân Danh Sol đã 85 tuổi, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, bàn tay vẫn
khéo léo và đặc biệt nhất đôi tai thì rất thính. Nghe học trò chơi một đoạn nhạc
xong là ông biết ngay dụng cụ nhạc có vấn đề ở đâu và học trò đánh sai chỗ nào.
Ông không chỉ nổi tiếng ở Sóc Trăng, mà nhiều năm nay, ông đã được các chùa ở
Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh... mời dạy cho đội nhạc ngũ âm của phum sóc họ.
Cha mất sớm, mới 8 tuổi, cậu bé Danh Sol đã vào chùa Chroy Tưm KanDal (thuộc xã
Đại Tâm) làm chú tiểu học chữ, cũng như xách cà mèn cho sư sãi khất thực. Đang
tuổi ham chơi, mê ăn mê ngủ, thế nhưng với cậu bé Danh Sol, hàng đêm khi thấy
các cụ trong xóm đến chùa hòa tấu nhạc ngũ âm thì cứ ngồi nghe, ghi nhớ, rồi
tranh thủ “học lỏm” các cụ, và nhớ được rất nhiều điệu của nhạc ngũ âm. Sẵn có
dàn nhạc ngũ âm đặt tại sảnh chùa, khi rảnh tay thì cậu bé lại xin trụ trì cho
tập gõ một mình. Ngày qua ngày, với niềm đam mê, cùng sự chỉ dẫn tận tình của
các bậc tiền bối, những ngón gõ nhạc của Danh Sol ngày càng thành thạo.
Nghệ nhân Danh Sol nhớ lại: “Thấy tôi mê tiếng nhạc ngũ âm các cụ ai cũng nhiệt
tình chỉ dẫn. Bài nhạc ngũ âm có tới 50 - 60 bài nên tôi đã học gần hai năm mới
chơi thành thục. Lúc đầu, học khó nhớ tôi phải đánh số lên các loại nhạc để dễ
dàng tập luyện và tai thì lắng nghe tiếng nhạc, mắt thì nhìn vào dụng cụ nhạc,
bàn tay thì chuyển nhanh để đánh cho đúng nhịp điệu”.
Mê nhạc, ham học hỏi, tìm hiểu, nên khi mới 15 tuổi, Danh Sol đã trở thành người
chơi nhạc ngũ âm trẻ nhất của đội nhạc ngũ âm chùa Chroy Tưm KanDal. Từ đó, ông
đã theo đội nhạc của chùa Chroy Tưm KanDal đi phục vụ khắp các nơi cả trong và
ngoài tỉnh.
Quyết tâm gìn giữ nghệ thuật dân tộc
“Nhạc ngũ âm vốn là linh hồn, là cội rễ, là tinh hoa dân tộc
của đồng bào Khmer. Được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ chính là niềm vui, hạnh
phúc nhất của đời tôi”.
Theo thời gian, những người lớn tuổi trong đội nhạc cũng già và mất đi, và đội
nhạc của chùa cũng không còn hoạt động. Tiếc nuối nghệ thuật mình đã học được,
ông Danh Sol lại tìm đến các đoàn nghệ thuật quần chúng để được tham gia vào đội
nhạc. Sau nhiều năm bôn ba theo đoàn nghệ thuật quần chúng, ông đã đến chùa
Chrôi Tum KanDal xin trụ trì lập lại đội nhạc. Ông Sol cho biết: “Khi vô chùa,
thấy các loại nhạc để trong kho hư hỏng mà không ai đụng tới, tôi đã quyết định
phải lập lại đội nhạc và duy trì cho đến khi nào không còn hơi thở thì thôi”.
Với suy nghĩ đó, năm 1959, ông bắt đầu tự sửa chữa, khôi phục lại các dụng cụ
nhạc. Sau đó, đi đến từng nhà vận động người trong phum sóc có tuổi đời trên 30
để tham gia đội nhạc. Đủ 7 người, ông bắt tay vào việc dạy cho mọi người, và đội
nhạc ngũ âm tiếp tục hoạt động đến nay.
Đại đức Danh Thanh Dũng, trụ trì chùa Chroy Tưm KanDal, cho biết: “Bây giờ, Sóc
Trăng có rất nhiều đội nhạc ngũ âm, nhưng đi đến đâu cũng nghe bà con khen ngợi
chỉ có đội nhạc của ông Danh Sol mới là người đánh giỏi và nghe “sướng tai” nhất.
Trong chùa có một đội nhạc chơi giỏi và người thầy tài ba như ông Danh Sol đúng
là rất quý. Nhờ ông mà việc bảo tồn nền văn hóa nghệ thuật độc đáo của đồng bào
Khmer thêm phần bền vững”.
Ở Sóc Trăng, không chỉ có nghệ nhân Danh Sol, mà còn có nhiều nghệ nhân dành cả
đời cho nghệ thuật truyền thống như những nghệ nhân của đoàn Rô Băm Bưng Chông,
dù nghèo nhưng cả 3 đời quyết giữ đoàn Rô Băm của mình, để rồi hàng trăm công
đất phải bán dần; hay những nghệ sỹ “nông dân” của đoàn Dù Kê Chông Prek (huyện
Trần Đề), Dù kê Ron Ron (huyện Châu Thành)... ban ngày đi cấy, đi cày, nhưng ban
đêm vẫn đều đặn diễn phục vụ bà con ở các phum sóc. Họ đã có nhiều đóng góp cho
việc gìn giữ những loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Sóc Trăng, nhưng đến nay vẫn
chưa có được một danh hiệu, cũng như chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thích
đáng của các cấp, các ngành. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần sớm có sự ghi
nhận cho những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân và có những chế độ đãi ngộ
xứng đáng, để khích lệ lớp nghệ nhân cũng như lớp trẻ có tinh thần gìn giữ văn
hóa dân tộc.
Bài và ảnh: Chanh Đa (Nguồn: baotintuc.vn)