Bảo tồn giá trị làn điệu hát Pá Yông của người M’nông

08:36 AM 13/09/2013 |   Lượt xem: 1616 |   In bài viết | 

Hát Pá Yông không chỉ độc đáo về âm điệu mà nó còn là sự tổng hòa của 2 thể loại hát đối đáp và hát ru. Để làm phong phú và lôi cuốn người nghe khi hát, nghệ nhân có thể đệm nhạc bằng Đing tuốt hay Đàn môi (Guôch). Giá trị của một bài hát Pá Yông phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm sống của nghệ nhân vì nội dung không có trước, câu chuyện kể là do nghệ nhân sáng tác theo ngẫu hứng; nếu 2 người đối đáp tích lũy được vốn sống càng nhiều thì khi cất lên điệu hát Pá Yông càng dài, càng sâu sắc, khiến người nghe say đắm, thán phục, khen ngợi.

Ngoài ra, hát Pá Yông còn độc đáo với các làn điệu hát ru mà các thể loại khác không có. Ông Y Krum Êung ở buôn H’ngô A, xã Hòa Phong cho biết: “Hát Pá Yông rất khó vì ở cuối mỗi câu cao độ không rơi vào 7 nốt nhạc căn bản (đồ, rê, mi…) mà ở những nốt giáng (bé mol) nên người nghe thường có tâm trạng bồi hồi khó tả, người đối đáp dễ cuốn hút theo chủ đề của người hát xướng; chính vì sự độc đáo đó mà Pá Yông còn dùng để hát ru con…”. Khi hỏi về niềm đam mê đối với Pá Yông, ông tươi cười nói: “Ngay từ nhỏ được cha mẹ hát ru bằng chính làn điệu Pá Yông và cứ thế ngấm vào tâm trí từ lúc nào không biết. Sau này lớn lên tôi được gia đình truyền lại, cộng với niềm đam mê học hỏi thêm của các nghệ nhân đi trước nên tôi hát được ”.

Hiện nay các nghệ nhân hát Pá Yông ở các buôn đồng bào M’nông không còn nhiều, nếu còn thì họ cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, vì vậy việc truyền lại cho thế hệ mai sau gặp không ít khó khăn.

Bà Aduôn Tuyết, 80 tuổi, sống tại Buôn Ja,ơ xã Hòa Sơn (Krông Bông), là một trong hai nghệ nhân của buôn hát Pá Yông tự hào cho biết: “Mỗi dân tộc đều có những làn điệu dân ca mang bản sắc riêng, nhưng đối với dân tộc M’nông chúng tôi thì hát Pá Yông là đặc trưng của vùng Nam Tây Nguyên, khi nghe hát ru Pá Yông sẽ đưa con người về gần với cội nguồn của mình hơn”.

Hát Pá Yông độc đáo về cả hình thức và giá trị văn hóa đối với đời sống người M’nông tại Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập đã kéo theo sự phá vỡ truyền thống tốt đẹp của đồng bào, tạo nên một nền văn hóa mới pha trộn, một bộ phận lớp trẻ mặc cảm tự ti, chối bỏ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, để bảo tồn giá trị này, cộng đồng người M’nông cần tích cực gìn giữ, lưu truyền và phát huy để không bị mai một. Bên cạnh đó, cũng cần sự quan tâm của nhà nước, sớm có các chính sách nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc để những người biết hát Pá Yông có cơ hội truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau

Mai Viết Tăng