Gian nan trong xóa đói giảm nghèo ở xã Yang Mao

09:03 AM 02/10/2013 |   Lượt xem: 1842 |   In bài viết | 

Trong những năm qua, đồng bào DTTS xã Yang Mao đã được tiếp cận nhiều nguồn vốn từ các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… với số vốn trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn của nhiều hộ dân còn kém hiệu quả. Ông Trần Văn Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Mao cho biết: “Hiện nay có trên 400 hộ gia đình là người DTTS của xã Yang Mao được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông. Trong đó, Hội Nông dân có hơn 200 hội viên được vay với số tiền trên 3 tỷ đồng, song nhiều gia đình sử dụng sai mục đích như mua sắm đồ dùng, vật dụng, phương tiện phục vụ sinh hoạt, chưa chú trọng vào đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Hơn nữa, số vốn vay còn ít, thời hạn cho vay ngắn nên hiệu quả của đồng vốn không cao”.
 
Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã vẫn còn trong tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc không đủ điều kiện cải thiện đất sản xuất. Chị H’Liêng ở buôn M’nang Dơng một mình nuôi 4 đứa con nhưng chỉ có 1ha đất đồi trồng sắn, hằng ngày chị phải đi làm thuê, kiếm tiền nuôi con, căn nhà dột nát không thể ở được nên phải đưa các con về ở nhờ nhà bố mẹ đẻ. Anh Ama Trung ở cùng buôn cũng trong tình trạng thiếu đất sản xuất, anh cho biết: “Hai vợ chồng và hai đứa con chỉ có 5 sào đất đồi, thiếu đất sản xuất, hai vợ chồng phải thay nhau đi làm thuê. Ngôi nhà tạm, xiêu vẹo đã hai năm nay vẫn chưa có tiền để sửa sang, đang chờ sự hỗ trợ của nhà nước”. Gia đình ông Ama The tuy đã thoát khỏi diện hộ nghèo được một năm nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn. Ông cho biết: “Gia đình có 2 ha đất xấu, rất khó canh tác; nhà đông con lại thiếu lao động nên hằng năm vẫn thiếu ăn. Được Nhà nước cho mượn 10 triệu đồng để phát triển kinh tế nhưng về phải trả nợ nên không làm được gỉ cả”.
 
Theo ông Ama Lăng, Buôn phó buôn M’nang Dơng, nguyên nhân trong buôn còn nhiều hộ nghèo là do thiếu đất sản xuất, một số hộ có đất nhưng chủ yếu là đất dốc, cằn cỗi, bạc màu, hơn nữa việc chăm sóc đất trồng của bà con chưa đúng kỹ thuật, ít bón phân, không phòng trừ sâu bệnh, cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên do thiếu hệ thống thủy lợi… nên năng suất rất thấp. Cả buôn có 152 hộ đồng bào DTTS thì có đến 104 hộ thuộc diện hộ nghèo.
 
Buôn Hàng Năm có 127 hộ người DTTS thì có đến 69 hộ trong diện nghèo (tỷ lệ 54,3%). Vợ chồng anh Amí Vi và 3 đứa con đang ở trong căn nhà sàn xập xệ, phải căng bạt che mỗi khi trời mưa, tài sản hầu như chẳng có gì. Amí Vi cho biết: “Gia đình có 3 sào ruộng nhưng chỉ làm được 1 vụ do thiếu nước và 4 sào đất đồi trồng bắp, mặc dù làm quanh năm nhưng không đủ ăn, nói gì đến việc sửa chữa nhà cửa”. Theo bà Amí Khom: “Năm 2011 được nhà nước xây dựng cho 1 căn nhà theo QĐ167, ở được 3 tháng thì bị gió làm bay mái tôn, nhưng đến nay vẫn không có tiền để sửa lại, phải ở trong căn nhà sàn cũ. Nhà có hơn 1ha đất rẫy nhưng thường xuyên mất mùa nên hằng năm thiếu ăn 2 đến 3 tháng”. Còn gia đình Ama Ten, tuy đã thoát nghèo vì được đền bù 90 triệu đồng do dự án đường giao thông đi qua phần đất canh tác, nhưng sử dụng số vốn vào đầu tư phát triển kinh tế để mua sắm xe máy, đồ dùng phục vụ gia đình nên có nguy cơ tái nghèo...
 
Điều dễ thấy tại các buôn đồng bào DTTS ở xã Yang Mao là sự lãng phí về lao động, chưa biết sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và tâm lý ỷ lại của một bộ phận người dân. Ông Y Vân Niê, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Yang Mao tâm sự: “Trong các buôn, một bộ phận không nhỏ người trong độ tuổi lao động chính thường xuyên rượu chè, không chăm chỉ làm ăn, một số gia đình tuy có đất sản xuất nhưng vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không tự vươn lên thoát nghèo. Vừa qua, hơn 30 hộ dân ở buôn Hàng Năm và buôn Kiều thoát nghèo do được đền bù dự án đường giao thông nhưng họ sử dụng đồng vốn không đúng mục đích nên những gia đình này có nguy cơ tái nghèo”.
 
Để giúp bà con là người DTTS ở Yang Mao thoát nghèo một cách bền vững thì ngoài sự hỗ trợ về giống, vốn cần có sự tư vấn, hướng dẫn cho bà con theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”; tăng cường cán bộ khuyến nông xuống hỗ trợ kỹ thuật về cách gieo trồng, chăn nuôi các loại cây, con phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng; xây dựng hệ thống thủy lợi; giúp bà con sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ của bà con trong việc xóa đói giảm nghèo.

Tùng Lâm