Đặc sắc Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

09:54 AM 07/10/2013 |   Lượt xem: 2215 |   In bài viết | 

Lễ hội Katê 2013 được tái hiện một cách rực rỡ và sinh động theo đúng nghi thức truyền thống vốn có của một nền văn hóa Chămpa. Mở đầu Lễ hội là phần rước Y trang nữ thần Pô Sah Inư. Hàng nghìn người dự lễ có dịp say đắm với các điệu múa duyên dáng, uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm xinh đẹp, hòa quyện trong âm thanh rộn ràng của tiếng trống Baranưng, tiếng réo rắt của kèn Saranai. Tại tháp Pô Sah Inư, lần lượt các nghi thức như: Mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, cúng Lễ cầu an... được các nghệ nhân người Chăm thực hiện theo đúng truyền thống và tôn nghiêm. Phần hội được tổ chức sôi động với nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu phong phú hơn so với mọi năm. Các hội thi dân gian truyền thống của dân tộc Chăm như: thi tay nghề làm bánh gan tây, bánh gừng, thi trưng bày và trang trí lễ vật để dâng cúng tổ tiên, thi dệt thổ cẩm, làm gốm…Các hoạt động trong phần hội được gắn kết chặt chẽ với phần lễ tạo nên một lễ hội mang đậm sắc thái truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm. 

Điểm nổi bật của Lễ hội năm nay là trong các hoạt động của phần hội không chỉ gói gọn trong cộng đồng người Chăm mà người dân địa phương và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm, làm bánh cổ truyền của người Chăm… dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân Chăm tài hoa. 

Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Thuận cho biết: Trên tinh thần kết nối cộng đồng người Chăm tại Bình Thuận, Lễ hội Katê 2013 được mở rộng quy mô với sự tham gia của tất cả các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống. Lễ hội không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Chăm nói riêng và Bình Thuận nói chung. 

Để phục vụ đồng bào Chăm và du khách vui Tết Katê ở Bình Thuận, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Ngoài tổ chức triển lãm, trưng bày các hiện vật gốc có giá trị văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm, Trung tâm còn tổ chức chương trình giao lưu văn hóa đặc trưng của dân tộc mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; tổ chức nhiều hội thi văn hóa dân gian truyền thống Chăm như: thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hội thi nắn bánh gừng, thi viết chữ Chăm truyền thống nhanh và đẹp… 

Cũng nhân dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thăm, tặng quà động viên các vị chức sắc, các gia đình chính sách và một số gia đình người Chăm tiêu biểu tích cực tham gia công tác xã hội và thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước tại địa phương./.

Hồng Hiếu/TTXVN