Thích ứng với biến đổi khí hậu trong bảo tồn đa dạng sinh học

11:18 AM 16/10/2013 |   Lượt xem: 2026 |   In bài viết | 

Dự án “Lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học” được thực hiện từ tháng 6/2012 đến tháng 11/2013 tại Việt Nam.

 Dự án nhằm hỗ trợ lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, thích ứng với biến dổi khí hậu (BĐKH) vào quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam; tăng cường kiến thức và kinh nghiệm về lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái (HST) nhằm nâng cao quản lý, bảo tồn ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái trong bối cảnh BĐKH và hỗ trợ xây dựng thí điểm lồng ghép phương pháp tiếp cận HST thích ứng với BĐKH vào quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Bến Tre.

 Dự án gồm 3 hợp phần: Xây dựng khung chính sách quản lý ĐDSH và dịch vụ HST trong bối cảnh BĐKH; Tăng cường bảo tồn ĐDSH hiệu quả hơn ở cấp tỉnh thông qua việc lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào HST vào quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh; Tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ đối tác về lĩnh vực bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh BĐKH giữa Việt Nam và Thụy Điển. 

Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên sống; ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nông, lâm nghiệp; dân số gia tăng, BĐKH… là nguyên nhân khiến tình trạng ĐDSH ngày càng suy giảm. Trong đó, BĐKH được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu và tiềm ẩn những tác động tiêu cực nhất, đe dọa sự sống của các loài, các HST. BĐKH với các hệ quả như: lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn…làm suy thoái ĐDSH nhanh hơn, trầm trọng hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trái đất nóng lên có thể làm hơn 150.000 người chết, 5 triệu người mắc các bệnh khác nhau. Con số đó sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2013. 

Hiện nay, các quốc gia Tiểu vùng Mêkông mở rộng trong đó có Việt Nam được đánh giá là khu vực năng động và có tốc độ, nền kinh tế và sinh kế người dân dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là khu vực có tính ĐDSH cao, với sự phong phú về HST, loài và nguồn gen…Các HST trong khu vực này có tiềm năng bảo vệ, tránh thảm họa và có thể thích ứng với BĐKH và những rủi ro về thiên tai khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ĐDSH khu vực này đang bị suy giảm nhanh. 

Để ứng phó vói tình trạng trên, hiện các quốc gia Tiểu vùng Mê Kông mở rộng đang coi việc thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH như là một ưu tiên phát triển. Những cách tiếp cận mới để thích ứng với những rủi ro và thảm họa ở cấp quốc gia và khu vực đã và đang được quan tâm xây dựng. 

Theo các đại biểu, hiện nay tại Việt Nam với việc phát triển thủy điện, tưới tiêu, khai thác rừng và thay đổi sử dụng đất... là nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động của BĐKH và ĐDSH. Bên cạnh đó, với 67% dân số sinh sống ở nông thôn có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và hơn 35% tổng dân số vẫn còn nghèo nàn chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mất rừng ngày càng cao, ĐDSH suy giảm, nhiều loài biến mất, các giá trị dịch vụ HST chưa được đánh giá đúng… 

Bởi vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải lập bản đồ các HST/sinh cảnh chính; đánh giá mực độ tổn thương của các HST/sinh cảnh và các vùng giàu ĐDSH trước những tác động của BĐKH và hoạt động của con người./.

Bích Liên (Nguồn: chinhphu.vn)