Đồng bào Mông ở Tân An xây dựng cuộc sống ấm no

08:54 AM 30/10/2013 |   Lượt xem: 1585 |   In bài viết | 

Chúng tôi đến thôn Tân An vào một ngày cuối tháng 10. Mặc dù trời mưa nhưng việc di chuyển bằng xe máy vào thôn vẫn rất dễ dàng. Đi qua đèo Lũng Mây, anh Nguyễn Minh Tuyển, cán bộ văn hóa xã Đông Thọ, cho biết: Trước đây đường vào thôn chỉ là đường mòn, rất khó đi và nguy hiểm, nhất là đoạn qua đèo Lũng Mây này. Năm 2008, chính quyền địa phương và người dân thôn Tân An đã cùng góp công, góp của để mở rộng và kiên cố hóa con đường vào bản. Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp cát sỏi và ngày công xây dựng", chẳng mấy chốc con đường bê tông phẳng phiu, rộng 3 m, dài 1,5 km được làm xong, giao thông thuận tiện, tạo đà để thôn phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong căn nhà 3 gian kiên cố, ông Lý Văn Phùng, Trưởng thôn Tân An, tâm sự: Năm 1979, đồng bào Mông từ các xã của huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã về lập nghiệp tại thôn Tân An. Trên quê mới, với tập quán canh tác còn lạc hậu, đời sống của bà con lúc đó gặp không ít khó khăn, nhiều hộ thiếu đói. 

Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, đến nay Tân An đã có nhiều thay đổi. Thôn không còn hộ thiếu ăn, 100% hộ dân đã làm được nhà kiên cố và bán kiên cố. Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, thôn đã có nhà văn hóa, có chợ xây tường bao. Năm 2000, thôn Tân An đã có điện lưới để sử dụng, đến năm 2006, thôn được đầu tư 1 trạm biến áp công suất 75 kW phục vụ điện ổn định cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang đã được xóa bỏ. Khi ốm đau, bà con đều đến trạm y tế xã khám bệnh, không nhờ thầy cúng “làm phép” như trước nữa. 

Trưởng thôn Lý Văn Phùng cho biết thêm: Được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn và hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên nay các hộ dân đã có của ăn, của để, cái đói cái nghèo đã dần lùi xa. 

Nghề nuôi trâu, bò nhốt chuồng được xem là hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân thôn Tân An. Hộ nào nuôi ít cũng phải có từ 1 - 2 con trâu, bò, hộ nuôi nhiều từ 4 - 5 con. Theo chân Trưởng thôn Lý Văn Phùng, chúng tôi tới thăm gia đình ông Ngô Văn Vàng ở xóm 2 với mô hình chăn nuôi kết hợp với sản xuất trang phục truyền thống Mông, mỗi năm cho thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng. Ông Ngô Văn Vàng cho biết: “Trước đây gia đình tôi thường xuyên thiếu đói, nhiều lúc mèn mén cũng không có để ăn. Nhiều năm trở lại đây, được Nhà nước quan tâm cho vay vốn để phát triển kinh tế, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên đời sống gia đình ngày càng ổn định. Năm 2012, gia đình tôi mua 1 cặp trâu với giá 30 triệu đồng, sau 1 năm nuôi nhốt đã có người trả giá 60 triệu đồng nhưng tôi chưa bán vì trâu mẹ đang nuôi nghé mới sinh”. 

Ở thôn Tân An, ngoài gia đình ông Ngô Văn Vàng làm kinh tế giỏi còn có gia đình các ông Ngô Văn Sùng, Dương Văn Sang, Lý Văn Súa, Ngô Văn Sài… được người dân gọi là các triệu phú của thôn nhờ vào nghề nuôi trâu, bò nhốt chuồng. 

Khi cuộc sống đã ấm no, thôn Tân An rất quan tâm đầu tư cho con em mình học tập, đến nay 100% trẻ em trong thôn đến độ tuổi đi học được đến trường. Cô giáo Đoàn Thị Dung, phụ trách lớp mầm non 5 tuổi, điểm trường Lũng Mây, thôn Tân An chia sẻ: Năm 2012, được sự quan tâm của Nhà nước, điểm trường Lũng Mây được đầu tư xây dựng 1 phòng học khang trang rộng hơn 50 m2 , có khu vệ sinh tự hoại và nguồn nước sạch phục vụ việc học cho các cháu được tốt nhất. 

Thôn Tân An hôm nay đang từng bước đổi thay với những nương ngô, nương chè đang vươn mình xanh tốt. Theo lời ông Lý Kim Võ - Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, dù vẫn còn khó khăn nhưng đồng bào Mông ở Tân An vẫn luôn chủ động lao động sản xuất, không ỷ lại vào Nhà nước và có tinh thần đoàn kết quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng ổn định, phát triển.

Bài và ảnh:Quang Cường (Nguồn: Báo tin tuc)