Cần quan tâm hơn nữa tới đồng bào Khmer Nam Bộ

03:54 AM 20/11/2013 |   Lượt xem: 2082 |   In bài viết | 

Trao đổi vấn đề này với Phóng viên Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi - Báo Công Thương, ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Việc triển khai thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và với riêng đồng bào Khmer cùng dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa bàn Tây Nam Bộ trong thời gian qua được các bộ, ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực, triển khai khá toàn diện. Mặc dù một số chính sách dân tộc đã hết hiệu lực, nhưng Chính phủ vẫn bổ sung nguồn lực cho phép tiếp tục triển khai thực hiện, cùng với các chính sách hiện hành đã phát huy tác dụng, góp phần cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

 Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình dự án còn nhiều bất cập, công tác hướng dẫn, phân bổ vốn chậm, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chính sách đối với  công tác dân tộc nói chung, trong đó có đồng bào DTTS vùng Tây Nam Bộ.

 Ngoài khó khăn chung, địa bàn vùng dân tộc ở ĐBSCL còn có những khó khăn mang tính đặc thù như xuất phát điểm về kinh tế thấp, trình độ dân trí đồng bào DTTS nói chung và đối với đồng bào Khmer cũng rất thấp. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 97%, tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức độ cao so với tỷ lệ hộ nghèo trong vùng, thất nghiệp và thiếu việc làm cao trong khi học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học khá đông, đây là mối trăn trở nhất không chỉ các em và gia đình.

 Từ tình hình trên, Ủy ban Dân tộc đề xuất với Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm những vấn đề cụ thể cho đồng bào DTTS nói chung, cũng như đồng bào các dân tộc ở ĐBSCL, đặc biệt là đối với đồng bào Khmer Nam Bộ như sau:

 Thứ nhất, đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo tổ chức sơ kết Chỉ thị 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư TƯ Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư TƯ Đảng khóa X, về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung chính sách mới phù hợp với xu hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước và vùng dân tộc Khmer. Trong đó chú trọng nhất là xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 - 2020, nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL, trọng tâm là đối với đồng bào Khmer giai đoạn 2014 - 2020 và có Chiến lược phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

 Thứ hai, quan tâm nâng cấp Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh thành Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, vì dân tộc Khmer ở ĐBSCL trên 1,3 triệu người, nhưng chưa có một trường nào đào tạo văn hóa, nghệ thuật riêng cho đồng bào Khmer. Hiện nay, lực lượng các nghệ nhân còn ít và già yếu, nếu không kịp thời đào tạo đội ngũ trẻ kế cận, thì nguy cơ tinh hoa văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer sẽ mai một.

 Thứ ba, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền hình phát thanh khu vực và các địa phương cần quan tâm nâng thời lượng phát sóng; điều chỉnh thời gian phát hình, phát tiếng Khmer ở khu vực ĐBSCL cho phù hợp. Hiện nay, thời gian và thời lượng phát chưa hợp lý, đồng bào không xem được, do đó làm hạn chế hiệu quả tuyên truyền cho đồng bào cả về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như tuyên truyền những tấm gương điển hình sản xuất giỏi, đời sống văn hóa giải trí phục vụ đồng bào. 

Thứ tư, quan tâm củng cố Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, nhằm đào tạo nâng cao trình độ về giáo lý, giáo luật và văn hóa cho các chư tăng, ngăn chặn tình trạng du học không chính thống ở nước ngoài. Đặc biệt, chú trọng nâng cao vai trò của các cấp hội đoàn kết sư sãi yêu nước, nhất là cấp chi hội cơ sở ở các chùa, bởi với đồng bào Khmer, chùa là trung tâm văn hóa, phát huy vai trò của hội này, để tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào Khmer chấp hành luật pháp và tham gia các phong trào xây dựng văn hóa, nông thôn mới. Đồng thời, cần quan tâm có chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên dạy chữ Pali, kể cả chữ Khmer ở các điểm chùa, nhằm khắc phục sự hụt hẫng nguồn lực cho Trường Bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. 

Thứ năm, việc đào tạo cử tuyển, không nên chỉ thu hẹp ở vùng đặc biệt khó khăn như hiện nay mà nên mở rộng các vùng khác. Nên quan tâm các em học sinh đủ tiêu chuẩn về trình độ, nhất là các em nghèo, gia đình chính sách người dân tộc. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi tuyển dụng, bố trí sử dụng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. 

Thứ sáu, về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, vấn đề giảm nghèo của đồng bào dân tộc ở ĐBSCL, những vấn đề này rất cần sự quan tâm từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và xã hội giúp đỡ, hỗ trợ. Mặt khác, chính bản thân đồng bào phải nỗ lực tự vươn lên, làm sao cùng hòa nhập với sự phát triển ở khu vực và cả nước.

Chử Văn Thung – THT (Nguồn: Báo Công thương)