Lễ cấp sắc cho đàn ông của người Dao

04:16 AM 10/12/2013 |   Lượt xem: 2003 |   In bài viết | 

Lễ Cấp sắc từ lâu đã trở thành lễ hội truyền thống của thôn, bản người Dao ở Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); hằng năm, cứ vào lúc nông nhàn đầu năm hay cuối năm là Lễ Cấp sắc lại được tổ chức theo đúng những nghi thức truyền thống của người Dao.

Lễ hội của cộng đồng

Có dịp may đi theo đoàn Di sản thuộc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh tham gia vào Lễ Cấp sắc của người Dao ở thôn Nặm Đăm, chúng tôi được xem một lễ hội văn hoá, tín ngưỡng vô cùng độc đáo của cộng đồng người Dao ở nơi đây. Theo người Dao thì Lễ Cấp sắc đã có từ lâu lắm rồi, nó còn có tên gọi khác là Lễ Tự cải dùng để đặt tên mới cho người con trai trưởng thành, đây là buổi lễ quan trọng trong cuộc đời người đàn ông.


Trưởng thôn Nặm Đăm, Lý Đại Thông, cho biết: “đã là con trai người Dao thì đến 10 – 16 tuổi phải làm lễ này mới được tổ tiên, bà con trong thôn bản coi là người trưởng thành. Người nào chưa làm lễ thì bị coi là người chưa trưởng thành, không được dự họp bàn các công việc lớn của dòng họ”.


Ngày nay, cuộc sống người dân có điều kiện thì lễ được tổ chức to hơn, anh Lý Tả Quốc, chủ nhà tiết lộ: “để chuẩn bị cho buổi lễ, gia đình phải có từ 3 - 5 con lợn khoảng 70 - 80 kg, 12 - 15 con gà, 2 tạ gạo, 100 lít rượu làm cỗ cúng và mời anh em, xóm làng đến tham dự”. Trước đó cả tháng trời, anh Quốc đã dẫn con trai 8 tuổi của mình đến nhà thầy cúng xem ngày lành, tháng tốt rồi cả dòng họ họp bàn chuẩn bị cho ngày trọng đại. Mỗi người họ hàng tới dự phải mang 5 lít rượu, góp tiền, phân công mỗi người một việc như: đi mời bà con trong thôn, nấu ăn, dọn dẹp... Đây có thể xem là buổi lễ lớn nhất của người Dao.


Đến ngày đã chọn, buổi lễ được tổ chức và kéo dài trong suốt 3 ngày liền. Nghe bà con nói, đây là Lễ cấp sắc 3 đèn, tức là trong suốt buổi lễ người ta sẽ thắp 3 bóng đèn điện tượng trưng cho mặt trời chiếu sáng cho chàng trai. Các thầy cúng thắp đèn còn là để mời các vị thần linh, tổ tiên về chứng kiến cho chàng trai thành người trưởng thành. Trước đó, muốn tiến hành làm lễ, anh Lý Tả Quốc đã phải đi đến nhà 7 thầy cúng mời, gồm 3 thầy cúng chính và 4 thầy giúp việc. Chuẩn bị rất nhiều thứ như: mô hình nhà giấy, tiên đình, giấy trang trí bàn thờ... rồi bày gà, lợn, rượu lên bàn thờ.


Ngày đầu của buổi lễ, các ông thầy vừa đi vừa gõ trống, chiêng cho đến nhà gia chủ mới dừng lại. Trước khi bước vào nhà, các thầy làm thủ tục xin phép các vị tổ tiên trong nhà, chủ nhà sẽ đem rượu ra mời các thầy uống, họ lại truyền tay mời rượu bà con tới dự lễ. Qua những chén rượu trao tay ấy như thấy được sự gắn kết vô hình của người dân ở nơi vùng cao này.


Trong suốt 3 ngày làm lễ có rất nhiều nghi lễ, thủ tục phức tạp song tóm lại trong 4 bước cơ bản, các thầy cúng sẽ thay nhau đọc lời cúng và nhảy múa với ý nghĩa lên đường đi đón tổ tiên, phải xin phép thần linh qua được các cửa ải, vượt đèo lội suối qua các bản làng để về đúng nhà mình tổ chức Lễ Cấp sắc. Báo cáo với tổ tiên rằng, đứa trẻ của gia đình đã đến tuổi trưởng thành, cầu mong các vị thần và tổ tiên cho phép làm Lễ Cấp sắc và phù hộ cho gia đình, cho đứa trẻ trưởng thành.


Theo một người già, phần cao trào nhất là vào buổi đêm, đó mới chính là lúc phần lễ và hội cùng diễn ra. Khi công việc của một ngày đã xong, vào bữa tối người dân trong thôn kéo đến đông kín rạp nhà gia chủ. Sau khi ăn xong, các thầy cúng làm lễ đến tận sáng, vừa cúng vừa múa kiếm, gõ nhịp trống, chiêng xập xình vang lên khi rộn rã, thúc giục, lúc lại thong thả, khoan thai.


Trong đêm thanh tĩnh, lạnh giá của vùng cao những điệu múa của ông thầy như càng thoát tục, điêu luyện hơn; ấy chính là lúc con người tìm thấy sự giao cảm với các thần linh, sự hài hoà giữa tự nhiên và con người được người Dao gìn giữ qua những buổi lễ như thế này. Xen giữa những bài cúng, khi các thầy nghỉ ngơi các cô gái, chàng trai tham dự lễ cùng hát các làn điệu dân ca của người Dao. Trong buổi lễ sôi nổi này, tính cộng đồng của người Dao như được tăng lên, dù lễ chỉ tổ chức trong một gia đình nhưng lại thu hút được tất cả anh em, bà con thôn bản cùng tham gia.


Ý nghĩa giáo dục lớn


Bắt đầu từ ngày làm lễ, cậu bé Lý Tả Hý, 8 tuổi đã phải thực hiện ăn chay 3 ngày, ngủ một mình ở trên gác, tránh động chạm, tiếp xúc với mọi người, kể cả bố mẹ. Việc bị tách riêng ra như vậy làm cậu bé có phần không vui, trong thời gian đó, Hý phải tập suy nghĩ về cuộc sống của mình sau ngày làm lễ. Đến ngày thứ 3 của buổi lễ, các thầy đưa đứa trẻ ra sân, làm thủ tục đóng dấu lên trán, trên vành tai. Đứa bé mặc áo đỏ phải bước lên “đài” dựng sẵn bằng gỗ cao 2,5m ngồi cuộn người lại.


Ở cuối “đài” người nhà căng sẵn chăn ra chờ đứa bé rơi vào rồi cuốn chăn lại. Một thầy cúng đứng bên “đài” lật người cậu bé một vòng lăn xuống chăn, các thầy giúp việc cuốn đứa bé vào chăn khoảng 5 - 7 phút, khi thầy cúng mở chăn ra nếu hai tay đứa bé vẫn đan vào nhau thì coi như cấp sắc đã thành công. Khi chăn được mở ra cũng có nghĩa là thời điểm người cấp sắc được sinh ra một lần nữa.


Thầy cúng cầm trên tay hai quyển sách có nội dung giống nhau mở một quyển ra đọc, nội dung là căn dặn đứa trẻ: từ đây khi đã là người trưởng thành phải sống có trách nhiệm với gia đình, dòng họ, sống tốt với xóm làng, không được làm những việc xấu, lười nhác, ăn cắp... Đọc xong thầy cúng đốt một quyển, cuốn 36 đồng tiền vào quyển sách cúng còn lại trao cho người được cấp sắc cất giữ. Để khi người đàn ông này mất đi thì con cháu sẽ chôn quyển sách cúng và những đồng tiền đó theo.


Làm xong các thủ tục, các thầy lại nhảy múa 3 vòng ở ngoài sân và trong nhà để tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ tổ chức lễ thành công. Ngày này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trên cuộc đời đứa trẻ, cậu bé đã được tổ tiên, cộng đồng công nhận là người trưởng thành, có một cái tên âm mới để giao tiếp với thế giới tâm linh, tổ tiên phù hộ. Được biết, nếu người đàn ông Dao nào lúc trẻ gia đình không có điều kiện làm Lễ Cấp sắc thì khi về già hoặc khi chết đi gia đình vẫn phải làm lễ vì họ quan niệm rằng: nếu không làm Lễ Cấp sắc thì người đó khi mất đi sẽ không gặp được tổ tiên.


Lễ Cấp sắc có ý nghĩa giáo dục lớn đối với người Dao, cậu bé Hý từ nay sẽ được gia đình giáo dục các đạo lý để trở thành một người đàn ông tốt. Đây thực sự là một di sản văn hoá độc đáo của người Dao ở thôn Nặm Đăm, trong lễ có cả phần hội vừa mang tính giáo dục lại vừa mang tính cộng đồng cao, cần phải được gìn giữ và phát huy.

Theo Báo Hà Giang