Chính sách cho đồng bào di dân vùng thủy điện: Quốc hội yêu cầu hoàn tất trong năm 2013

02:31 AM 23/12/2013 |   Lượt xem: 2232 |   In bài viết | 

Nỗi khổ mang tên “tái định cư”

Theo kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT, trong quá trình chuẩn bị và xây dựng công trình thủy điện, các nhà đầu tư chưa thực sự coi trọng công tác di dân, tái định cư. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các hộ dân tái định cư lên tới 36,6% tức là gấp gần 4 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước.


Tại tỉnh Phú Yên, để xây dựng 3 thủy điện (Ba Hạ, Vĩnh Sơn – Sông Hinh và Krông H’Năng), hơn 560 hộ dân phải nhường đất di dời về khu tái định cư. Thế nhưng sau hơn 10 năm triển khai 3 dự án thủy điện này, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn do không có đất canh tác, thiếu tư liệu sản xuất, tiền đền bù sử dụng không đúng mục đích... dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo gia tăng.


Còn với dự án thuỷ điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An), với 1.362 hộ dân, hơn 5.000 nhân khẩu tại 14 thôn, bản phải di dời đến nơi ở mới. Đến tháng 6/2012, công tác di dân ra khỏi vùng lòng hồ hoàn tất, người dân từng bước làm quen với cuộc sống nơi đất mới tại các điểm tái định cư. Thế nhưng, tại nhiều điểm tái định cư, vì chưa bố trí được đất sản xuất nên người dân phải “ngồi chơi xơi nước” trong cảnh thiếu đói.


Tình cảnh trên cũng diễn ra với nhiều hộ di dân thủy điện Sơn La ở khu vực thị xã Mường Lay dù đã 3 năm sau ngày thủy điện Sơn La chặn dòng dâng nước, buộc người dân phải tự tìm đủ kế sinh nhai để tồn tại.


Hoàn thiện chính sách - mốc thời gian Quốc hội yêu cầu


Thực trạng này, không phải bây giờ mới được phát hiện, mà đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong nhiều kỳ họp. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết yêu cầu trong năm 2013 phải rà soát, giải quyết dứt điểm việc bổ sung các chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện, bảo đảm nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.


Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho biết, thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành khảo sát, đánh giá về tình hình thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo lập đề án chính sách và giải pháp ổn định cuộc sống người dân tái định cư, các công trình thủy lợi, thủy điện và dự kiến trong tháng 12/2013 sẽ nghiệm thu.


Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, trên cơ sở đề án này, Bộ NN&PTNT cũng đang chỉ đạo dự thảo để khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách sửa đổi đối với công tác di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cũng nói rõ: trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp, trong đó giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở những vùng tái định cư của các dự án thủy điện, để ban hành sớm nhất.


Với 205 dự án thủy điện đang xây dựng, Chính phủ chỉ đạo rà soát đánh giá thiết kế kỹ thuật, nếu không đảm bảo an toàn thì buộc dừng lại để bổ sung. Đặc biệt, với các dự án này, Chính phủ yêu cầu rà soát lại phương án tái định cư có đúng chính sách pháp luật, có thể bổ sung chính sách cụ thể đối với từng dự án để đạt mục tiêu đưa dân đến nơi ở mới tốt hơn.


Năm 2013 sắp khép lại, không biết các bộ, ngành có hoàn tất chính sách tái định cư thủy điện như Quốc hội yêu cầu hay không?

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Chính sách liên quan tới nhân dân vùng thủy điện, di dân tái định cư, đời sống còn thấp. Tại 3 kỳ họp Quốc hội khi bàn về thủy điện, các đại biểu đều chất vấn đến vấn đề này. Lần này các đại biểu tiếp tục hỏi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Công thương. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói là đang làm. Năm nay, còn tháng 12 nữa thôi, đề nghị các bộ phải cùng nhau phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chủ trương này. Có thể là quyết định của Thủ tướng, có thể là nghị định của Chính phủ, nhưng mà phải làm khẩn trương… Hiện, còn 2 vạn đồng bào ở trong vùng di dân tái định cư về thủy điện mà chưa có điện. Như vậy, chính sách lần này phải chú ý làm rõ, không để đồng bào ở các vùng di dân tái định cư để làm điện mà mấy chục năm nay rồi bây giờ còn chưa có điện


 

H.Châu (Nguồn: Báo Công Thương)