40/54 dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống

02:22 AM 23/12/2013 |   Lượt xem: 2256 |   In bài viết | 

Bài 1: Ngày càng mai một

Ngày càng ít người “chịu” mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.


Vùng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) vốn được coi là cái nôi của đồng bào dân tộc Thái ở Việt Nam, nhưng khi đi vào các bản làng Thái, trên cánh đồng, đi chợ… cũng không dễ dàng gặp được một người mặc trọn vẹn trang phục truyền thống Thái (váy và áo cỏm). Phụ nữ Thái hầu như chỉ còn mặc váy của dân tộc mình, còn áo thì được thay bằng các loại áo phông, sơmi của người Kinh với đủ các loại màu sặc sỡ. Cánh đàn ông lại càng khó nhận ra, vì hoàn toàn mặc âu phục.


Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết, phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trong mỗi bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, chứa đựng giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người…


Đồng bào dân tộc Mông cũng vậy. Nếu như trước đây, khi đến vùng đồng bào Mông, nam nữ Mông, từ già đến trẻ, đều mang trên mình những bộ trang phục truyền thống có nét đặc trưng riêng, thì nay những bộ trang phục truyền thống ấy ở vùng đồng bào Mông đã thưa dần. Hình ảnh người đàn ông mặc quần áo sơ mi, áo phông đã trở thành phổ biến. Phụ nữ Mông ngày nay chỉ còn mặc mỗi chiếc váy Mông, nhưng cũng không phải váy do mình tự làm, mà là những chiếc váy may sẵn được mua ở chợ, các họa tiết hoa văn trên váy không phải là thêu tay mà được in sẵn lên mặt vải.


Ở nhiều vùng khác, đồng bào dân tộc cũng rất ít khi mặc trang phục truyền thống. Chị Lò Thị Hoài, dân tộc La Ha (bản Huẩy Púa, xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, Sơn La) cho biết, bình thường ở nhà, chị rất ít mặc bộ trang phục của dân tộc mình, chỉ khi nào có lễ hội, hoặc ngày lễ Tết chị mới mặc đến nó. Còn Vi Thu Hường, dân tộc Thái (ở bản Tô Buông, xã Lóng Phiên, huyện Yên Châu, Sơn La) thì rất thật thà chia sẻ, hiện tại em có duy nhất… một bộ váy áo của dân tộc mình, chỉ thỉnh thoảng nhà có việc mới mặc đến, còn quần áo em mặc hàng ngày đều là quần áo của người Kinh.


Nhưng có lẽ, vùng “trắng” trang phục truyền thống rõ nét nhất ở Việt Nam hiện nay phải nói đến ở Tây Nguyên. Đến các buôn làng Tây Nguyên bây giờ, ngoài nắng, gió Tây Nguyên, du khách ngỡ là mình đã “đi lạc” vào một vùng đất của đồng bào người Kinh, bởi tìm mỏi mắt không thấy bộ trang phục truyền thống nào trên đường. Từ những người nội trợ, công nhân đến những cán bộ công chức nhà nước… ai cũng khoác trên mình bộ trang phục của người Kinh. Già Ama Hloan, dân tộc Ê-đê (ở buôn Cõ Thôn, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, ở nơi già ở hiện nay, đồng bào dân tộc rất ít mặc trang phục truyền thống, chủ yếu mặc quần áo người Kinh, chỉ đến dịp lễ hội thì mọi người mới mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.


Chị Y Hiền, dân tộc Xơ Đăng ở huyện Đăk Hà (Kon Tum) cũng cho biết, đồng bào Xơ Đăng nơi chị ở bây giờ mọi người cũng không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, chỉ những ngày lễ hội, ngày hội văn hóa, hay một chương trình biểu diễn gì đó mọi người mới mang những bộ trang phục truyền thống ra mặc.


Thừa nhận thực tế này, bà Bùi Thị Thanh Vân, Giám đốc Sở VH, TT & DL Kon Tum cho biết, trong một dự án nghiên cứu, phục dựng và điều tra về nghề dệt truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, kết quả cho thấy đồng bào Xơ Đăng ở huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà… hầu như không còn trang phục truyền thống, tại huyện Tu Mơ Rông hầu hết 11 xã trong huyện đều trắng trang phục truyền thống…


Nói đến sự mai một của những bộ trang phục truyền thống dân tộc, TS Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đưa ra một con số “giật mình”: Có tới 40/54 dân tộc ở Việt Nam hiện không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ, thay vào đó là trang phục công nghiệp bằng sợi tổng hợp, sợi nilon với nhiều chủng loại, hoa văn giống hệt nhau, được bày bán tràn ngập trên thị trường. Một số dân tộc, ngoại trừ người già mặc trang phục truyền thống, giới trẻ đều mặc áo sơmi, quần âu, hoặc quần áo mua của các nước láng giềng. Những dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơđu, Chứt… thì hoàn toàn không còn bóng dáng của những bộ trang phục truyền thống.

Phương Lan (Nguồn: baotintuc.vn)