Chuyện học chữ của đồng bào Hà Nhì

10:49 AM 29/03/2014 |   Lượt xem: 2295 |   In bài viết | 

 Xưa…
 
 Người Hà Nhì cư trú chủ yếu tại các xã Chung Chải, Sín Thầu của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và xã Mù Cả, Thu Lũm, Ka Lăng của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Thường cư trú ở những huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh, nên chuyện đi học của người Hà Nhì cũng rất vất vả. 
 
 Cụ Lù Lò Xe, nguyên Chủ tịch xã Ka Lăng kể: “Chuyện học cái chữ của người Hà Nhì đã có truyền thống từ những năm 1960. Thời ấy, đồng bào ở Ka Lăng còn đói khổ lắm, nói gì tới chuyện học chữ. Nhưng may nhờ có các thầy giáo người Kinh đến tận nhà vận động học sinh xuống dưới huyện học; nghe lời thầy giáo nên bố mẹ đã đồng ý cho tôi đi học”. 
 
 Cụ Xe vẫn nhớ mãi hình ảnh người mẹ với hai hàng nước mắt khi tiễn con đi học. Bà cụ khóc không phải vì xa nhớ con, mà khóc bởi thương con phải vất vả. Hôm tiễn con đi tìm con chữ, bà lục tung cả buồng chỉ còn mấy củ sắn, củ khoai cho con lót dạ trước khi lên đường. 
 
 “Đường từ bản xuống huyện phải đi bộ gần 120 km. Để có được thức ăn, có sức cuốc bộ trong rừng, chúng tôi phải dắt theo con dao, chiếc thuổng để đào củ mài, củ dong riềng dọc đường để ăn. Suối cạn thì lội vào hốc đá mò cá, bắt cua, ốc nấu với rau rừng. Cũng có lúc đói quá, còn phải đào cả củ chuối để ăn”, cụ Xe nhớ lại. 
 
 Khó khăn, vất vả như thế nhưng cụ Xe cho biết thế hệ học sinh thời bấy giờ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ học, ngược lại còn đua nhau học thật tốt. Riêng cụ Lù Lò Xe, học tới lớp 4, cụ Xe đi bộ đội. Sau khi phục viên, cụ Xe về làm cán bộ huyện, cán bộ xã tới lúc nghỉ hưu. Những năm trong quân ngũ và khi làm việc tại địa phương càng giúp cụ hiểu cái chữ quan trọng với đời người như thế nào. Bởi vậy, cụ Xe càng quyết tâm nuôi các con và khuyên dạy các cháu học hành đến nơi đến chốn. Nhờ vậy, các con của cụ đều thành đạt, người con thứ 2 của cụ hiện là Hiệu Phó trường THCS Ka Lăng. 
 
 ... và nay 

 
 Sau thế hệ cụ Lù Lò Xe, truyền thống hiếu học của người Hà Nhì được nối tiếp ngày một dài hơn. Và gia đình anh Lỳ Gạ Xá ở bản Ka Lăng là một ví dụ điển hình về tinh thần hiếu học. 
 
 Anh Lỳ Gạ Xá năm nay 34 tuổi. Bố mẹ anh Xá mất năm 2011, để lại cho anh 3 người em; cùng với 3 người con, vợ chồng anh Xá phải chăm sóc, lo lắng cái ăn, cái học cho cả 6 người. Hiện tại, gia đình anh Xá vẫn nghèo nhất nhì bản, gia tài quý nhất có cái ti vi từ 10 năm trước. Thế nhưng, dù ngày ngày vất vả làm ruộng hay phải đi cày thuê, cuốc mướn, vợ chồng anh Xá vẫn không nề hà; tất cả đều vì niềm mong ước để các em, các con được tiếp tục theo học cái chữ. Nhà nghèo nhưng vào năm học, các em và con anh Xá đều có quần áo mới. Để có hơn 2 triệu đồng sắm sửa quần áo đó, vợ chồng anh Xá phải tranh thủ làm thuê trong 3 tháng ròng. 
 
 Đến bản Tạ Phu, xã Ka Lăng, nơi có 100% dân số là đồng bào Hà Nhì, mới thấy hết tinh thần hiếu học của học sinh nơi đây. Khi nhà nhà lên đèn là lúc tiếng học chữ râm ran phát ra. Các em tập trung thành nhóm để học, nhóm đông thì 6 - 7 em, nhóm ít vài ba em. 
 
 Ông Sừng Cá Lồng, Bí thư Chi bộ bản Tạ Phu cho biết: “Bản có 17 hộ thì có đến 10 hộ nghèo nhưng các hộ đều cố gắng cho con đi học. Trong bản nhiều người già không biết đọc, biết viết giờ mới thấy khổ, vì vậy ai cũng vui mừng vì con em mình ham học”. 
 
 Người dân bản Tạ Phu rất tự hào vì dù bản nghèo nhưng vẫn có một người con của bản làm tới chức Phó Chủ tịch xã. “Gia đình Lỳ Xừ Xá ngày xưa cũng nghèo lắm, nhưng nó cố gắng học, học hết cấp 3 rồi tới đại học. Vừa qua nó được chọn làm Phó Chủ tịch xã Tà Tổng trong chương trình đưa tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã đấy. Cả bản cứ lấy Lỳ Xừ Xá là tấm gương để noi theo”, Ông Sừng Cá Lồng hồ hởi cho biết. 
 
 Ông Pờ Pờ Pó Chừ, Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho hay: “Cả xã có 67 em học các trường ĐH, CĐ, trung cấp. Tỉ lệ chuyên cần đạt tới 98%. Bây giờ chúng tôi không cần phải vận động các gia đình cho trẻ đi học nữa, bố mẹ các cháu đều tự nhận thức được sự học quan trọng như thế nào. Đối với một xã còn nhiều khó khăn như Ka Lăng, đây là một điều đáng tự hào”. 

Bài và ảnh: Lê Nguyễn (Nguồn: baotintuc.vn)