Tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

09:32 AM 31/03/2014 |   Lượt xem: 1558 |   In bài viết | 

 Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban và các thành viên của Ủy ban.
 
 Kết quả thực hiện 2013
 
 Trong năm 2013, chính sách pháp luật của nước ta về biến đổi khí hậu được xây dựng và triển khai tương đối đồng bộ. Hiện đã có Nghị quyết của Đảng, Chiến lược quốc gia, Chương trình hành động của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
 
 Tổ chức bộ máy về ứng phó với BĐKH ngày càng được hoàn thiện. Công tác chỉ đạo thực hiện ứng phó với BĐKH đạt nhiều kết quả tích trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH; triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
 
 Năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng cho yêu cầu chủ động phòng, tránh để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
 
 Năm 2013, với các thông tin dự báo đầy đủ được cập nhật liên tục, kịp thời và với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực chủ động ứng phó với thiên tai, nhờ đó đã giảm thiệt hại tới mức thấp nhất. Điển hình đối với con bão Haiyan, toàn hệ thống chính trị đã được huy động tổ chức ứng phó, đã để lại những kinh nghiệm quý báu đối với tất cả các khâu, từ công tác dự báo, chỉ đạo, di dân,... trước một tình huống nguy cấp chưa từng gặp. 
 
 Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này được tăng cường. Năm 2013, Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhiều cơ chế hợp tác mới về BĐKH dần được hình thành, là cơ hội để nước ta huy động, đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ quốc tế. 
 
 Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH được các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, triển khai với nhiều hoạt động, nội dung phong phú, đa dạng, đề cập tới từng lĩnh vực cụ thể. 
 
 Trọng tâm công tác 2014
 
 Về kế hoạch công tác năm 2014, Ủy ban đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, cập nhập, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu, phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 
 Triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH; triển khai việc lồng ghép tăng trưởng xanh với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngành, địa phương. 
 
 Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015; Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; đánh giá tình hình thực hiện, sắp xếp thứ tự, nguồn vốn ưu tiên đối với các dự án thuộc kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các bộ, ngành, địa phương.
 
 Đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương, nhất là với các quốc gia Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược; tăng cường tham gia Diễn đàn toàn cầu về tăng trưởng xanh, kỳ họp Đại hội đồng LHQ về BĐKH.
 
 Cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng
 

 Tại cuộc họp, các thành viên của Ủy ban cho rằng việc triển khai hiệu quả các chương trình, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, do đó phải tiếp tục có cách tiếp cận liên ngành, liên vùng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, do việc ứng phó với BĐKH cần nguồn lực đầu tư rất lớn, vì vậy phải hết sức quan tâm đến xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này.
 
 Lồng ghép các Chương trình ứng phó với BĐKH với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, cùng với đó là hết sức lưu ý đến công tác dự báo, nhất là dự báo mưa, lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Tiếp tục cập nhật các kịch bản dự báo của quốc tế về BĐKH; tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH; thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực quốc tế cho triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu ứng phó với BĐKH. 
 
 Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế
 
 Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết của Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế liên quan đến ứng phó với BĐKH; thực hiện tốt công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với kịch bản BĐKH.
 
 Cùng với đó là tiếp tục tăng cường, nâng cao năng lực dự báo thiên tai, xây dựng các kịch bản do tác động của BĐKH. Rà soát, sắp xếp thứ tự, nguồn vốn ưu tiên đối với các dự án thuộc kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, trong đó đặc biệt lưu ý huy động nguồn lực xã hội cho các dự án phát triển rừng phòng hộ ven biển; khảo sát, tính toán kỹ, triển khai xây dựng các tuyến, đoạn đê biển trọng yếu; tập trung đầu tư xây dựng các công trình, dự án chống ngập ở các thành phố; đảm bảo an toàn các hồ đập; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn nước. 
 
 Quan tâm thực hiện tốt các chương trình, dự án phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai; quản lý chặt chẽ tài nguyên thiên nhiên, nhất là kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái. 
 
 Về nguồn lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong thực hiện các chương trình ứng phó với BĐKH cần hết sức quan tâm huy động nguồn lực xã hội ; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế cho ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và bảo vệ môi trường. 

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc (Nguồn: chinhphu.vn)