Đắk Nông: Đưa nghệ thuật cồng chiêng vào môi trường học đường

04:52 AM 29/03/2014 |   Lượt xem: 1724 |   In bài viết | 

Trên địa bàn tỉnh, nghệ thuật cồng chiêng đã được dạy tại 6 trường dân tộc nội trú tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa. Đối tượng học là các học sinh có độ tuổi từ 11 tuổi trở lên. Hiện nay, 2 trường dân tộc nội trú là Đắk Song và N’Trang Lơng có hai bộ chiêng, các trường khác có một bộ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Tại đây, các em được các nghệ nhân dạy về nội dung và hình thức diễn tấu, cách đánh, nhịp điệu từng bài chiêng… quen thuộc trong đời sống.

Em Điểu Lâm Doanh, học sinh lớp 12 trường dân tộc nội trú N’Trang Lơng, thị xã Gia Nghĩa chia sẻ: “Lúc đầu em không biết đánh cồng chiêng, từ khi cồng chiêng được đưa vào dạy tại trường, chúng em hiểu và đánh cồng chiêng thuần thục. Nhiều đội chiêng theo độ tuổi trong trường đã trưởng thành và tham gia câu lạc bộ chiêng của trường và bon làng. Cồng chiêng còn là môn giúp cho chúng em thư giãn, giao lưu sau thời gian học hành căng thẳng vào dịp cuối tuần, đồng thời giúp chúng em biết quý trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”.

Với bộ môn không chính thức, cồng chiêng đang được nhiều học sinh ủng hộ và tham gia. Nhiều trường đã có các đội chiêng với những lứa tuổi khác nhau. Việc đưa cồng chiêng vào môi trường học đường không chỉ gìn giữ tiếng chiêng, tiếng trống mà còn rèn luyện thêm ý thức giúp các em biết gìn giữ tinh hoa dân tộc.

Hiện nay đa số các “thầy, cô” được nhà trường mời về dạy đều là các nghệ nhân tại các buôn, bon ngay tại địa phương. Nghệ nhân H’Nhum, xã Đắk N’drung, người đang dạy cồng chiêng cho học sinh trường dân tộc nội trú huyện Đắk Song tâm sự: “Hiện nay hầu hết các thế hệ trẻ đều không quan tâm đến cồng chiêng, không biết đánh và cảm nhận tiết tấu các bài chiêng. Từ khi được mời về dạy tại trường, tôi thấy các em rất nhiệt tình tham gia với môn này. Nhiều em đã học rất nhanh và đánh rất giỏi. Việc đưa cồng chiêng đến với môi trường học đường là một tín hiệu đáng mừng và cần được phát huy trong thời gian tới”. Với niềm đam mê tiếng nhạc dân tộc, nhiều nghệ nhân đã truyền âm vang cồng chiêng, mang bầu không khí vui tươi mỗi buổi cuối tuần tại nhiều trường học tại Đắk Nông.

Theo thống kê của ngành văn hóa tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm hiện nay, trong 117 bon, buôn có 86 nghệ nhân có năng khiếu truyền dạy cồng chiêng. Ông Tô Đình Tuấn, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết: “ Việc đưa cồng chiêng vào dạy tại các trường học đã mang lại hiệu quả, các em nhiệt tình tham gia. Đây là tín hiệu mừng trong chặng đường khôi phục gìn giữ cồng chiêng nói riêng và các bản sắc văn hóa khác nói chung. Bên cạnh, việc dạy nghệ thuật cồng chiêng, ngành văn hóa cũng khuyến khích các trường học tổ chức cho các em tiếp xúc với một số hình thức văn hóa như các điệu múa, hát dân ca dân tộc…”.

(Theo TTXVN)