Lễ cầu thần mưa của người Jrai M’thur

05:14 AM 18/04/2014 |   Lượt xem: 1904 |   In bài viết | 
Người Jrai gọi mưa là “Hơ Jan” và rất coi trọng “Hơ Jan” vì giúp họ giải được nhiệt của cái nắng oi bức, rát bỏng, làm cây cối, hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt và cho họ no cái bụng. Mưa của người Jrai được chia ra 3 mùa: Cơn mưa đầu mùa, là khi người dân chuẩn bị hạt giống để chọc trỉa, lấy các dụng cụ như cuốc, rựa, rìu từ nhà sàn đem xuống dưới đất và cày, bừa đó là “Hơ Jan le rah Phi”. Cơn mưa giữa mùa, lớn nhất và cũng quan trong nhất giúp trồng bắp, trỉa lúa trên nương, trên rẫy, được gọi là “Hơ Jan Jôh Hơma” (người Jrai thường hay gọi là “Hơ Jan trun hyu hma”). Cơn mưa cuối mùa chuẩn bị cho việc đưa hạt bắp, hạt lúa lên chòi, và dệt thổ cẩm, đặt bẫy những con thú trong rừng, bắt con cá ở dưới sông, dưới suối, được gọi là “Hơ Jan hlim”.
 
 Theo quan niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước mưa xuống, bệnh tật xuất hiện, đói rét đeo bám liên miên. Vì thế mỗi năm người Jrai luôn tất bật chuẩn bị cho lễ cầu thần mưa. Người Jrai luôn thành tâm, thành ý với các vị thần thánh. Ba năm đầu tiên lễ vật dâng lên các vị thần thánh là một con gà, một ghè rượu, ba năm kế tiếp là một con heo, 3 ghè rượu và ba năm nữa là 1 con bò, 5 ghè rượu. Càng về sau, các con vật dâng lên càng lớn hơn. Điều bắt buộc là cái ghè được cúng phải màu đen bởi quan niệm của người Jrai, màu đen là điềm lành. Trước kia mỗi gia đình phải đóng góp cho lễ cầu mưa một chén tấm, một chén gạo, còn bây giờ thì mỗi gia đình quyên góp bằng tiền. Đồ trang phục cho lễ cúng phải dệt thật đẹp bằng thổ cẩm truyền thống gồm: khăn quấn đầu, áo và khố.
 
 Đầu tiên, người Jrai dựng một cái giàn để cúng bến nước trước, tiếp là cúng các vị thần cây lồ ô, tre, nứa. Sau đó người Jrai về làng dựng cổng và làm một cái giàn ngay con đường xuống bến nước, treo lên bộ da của con chó, đặt một thanh đao, cột một đoạn sợi chỉ màu đen. Điều đó là để ngăn chặn sự xâm nhập của các con quỷ ác đến hại người dân trong làng. Lễ cầu thần mưa khác với tất cả các nghi lễ cúng khác vì người cúng không phải Già làng, mà người có ngôi nhà ở đầu nguồn bến nước sẽ chọn người cùng hướng dãy nhà của mình để thay mặt cho dân làng đứng ra cúng. Người cúng phải đứng nghiêm chỉnh và khoanh hai tay vào nhau trước ngực, cầu khấn: “Hỡi các vị thần thánh hãy cho chúng con có những hạt mưa, hãy xua đuổi những con quỷ quái ác đến hại dân làng, hãy cho những ngôi nhà có sự mát mẻ, các cô gái không chồng, góa phụ có sự sống”… Sau vài ngày được thần thánh ban tặng nước mưa xuống thì cuộc sống của họ từ nóng rát trở nên mát mẻ, không khí người dân trong làng vui hẳn lên. Nếu như trời mưa kéo nhiều ngày, họ lại vứt cái dừng, cái nia ra ngoài trời và cũng cất lên lời cầu: “Hỡi các vị thần thánh, chúng con muốn các vị thần thánh hãy cho cơn mưa tạnh, để các cô gái không chồng, bà góa phụ khỏi phải lạnh giá ở ngôi nhà của họ!”
 
 Với người Jrai, không chỉ có việc cầu mưa cho buôn làng mát mẻ mà ngay cả trên nương, trên rẫy cũng phải cầu mưa để cho cây bắp lên cao, cây lúa trĩu bông. Nếu không, cây bắp, cây lúa sẽ chết khô vì cháy nắng. Trước tiên họ phải cất công đi lên nương, lên rẫy thăm dò những các vị Yàng xung quanh để các vị Yàng bày cách làm lễ cầu mưa. Lễ cầu mưa ở rẫy khác với lễ cầu mưa ở làng, vì ở đây chỉ cúng cho thần rẫy, linh hồn của các ông bà tổ tiên, các vị thần thánh. Giàn cúng được dựng ngay tại rẫy chứ không phải bến nước hay các bụi cây lồ ô, tre, nứa. Ở rẫy, việc cầu thần mưa năm nào cũng giống năm nào, lễ vật dâng lên duy nhất là 1 con gà nướng, một ghè rượu màu vàng, theo phong tục thì ở rẫy không được cúng ghè màu đen, mà phải là màu vàng, tượng trưng cho sự vàng ươm của hạt bắp, hạt lúa được mang về đầy chòi. Người cúng phải ngồi xuống, không được đứng như làm lễ ở làng, khoanh hai tay vào nhau trước ngực khẩn thiết cầu khấn: “Hỡi thần rẫy, hỡi ông bà tổ tiên, hỡi các vị thần thánh, xin các vị hãy cho đám rẫy của con có được hạt mưa để cây bắp lên cao, cây lúa trĩu bông, đừng để cho những con chim, con thú dữ đến phá phách cây bắp, cây lúa của nhà con!”.
 
 Những năm gần đây, người Jrai đa số theo dõi dự báo thời tiết qua đài, tivi để chủ động cho việc sản xuất. Tuy nhiên, lễ cầu thần mưa vẫn được nhiều buôn làng thực hiện để gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Jrai. 

Hữu Cường (Nguồn: baotintuc.vn)