Ủy ban Dân tộc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

02:51 AM 08/05/2014 |   Lượt xem: 1984 |   In bài viết | 

Trong các ngày làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Đoàn công tác UBDT đã đến làm việc với 2 xã Ngọc Chúc, Vĩnh Phú của huyện Giồng Riềng và 2 xã Định Hoà, Định An của huyện Gò Quao. Tất cả 4 xã trên đều thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
 
Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn như xây dựng giao thông nông thôn cho xã 135 theo tiêu chuẩn NTM để tiêu chí này đạt chuẩn; Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo đã góp phần đưa tiêu chí nhà dân cư đạt chuẩn theo quy định. Riêng xã Ngọc Chúc của huyện Giồng Riềng đã đạt 17/19 tiêu chí, còn lại 2 tiêu chí chưa đạt đó là y tế và cơ sở vật chất văn hoá. Khác với các xã đang chạy nước rút về đích với các tiêu chí cuối cùng, xã Vĩnh Phú được xem là xã 135 đàn em, do xã này mới được Chính phủ công nhận vào cuối năm 2008 và được tách ra từ xã 135 Vĩnh Thạnh, hiện vẫn còn nằm trong diện Chương trình 135. Xã Vĩnh Phú hiện có 63,09% dân số là người dân tộc Khmer; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,82%; thu nhập bình quân đầu người 16,2 triệu đồng/người/năm; tính đến cuối tháng 04/2014, xã Vĩnh Phú chỉ đạt được 7/19 tiêu chí.
 
Tại Huyện Gò Quao, đoàn công tác có buổi làm việc với xã Định Hoà và xã Định An. Được Ban Chỉ đạo Trung ương chọn xã Định Hoà là một trong 11 xã của cả nước xây dựng mô hình thí điểm NTM, với 64% dân số là người dân tộc Khmer. Tính từ tháng 4/2009, xã Định Hòa được Trung ương chọn xây dựng NTM, trong điều kiện chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Qua 5 năm triển khai thực hiện, kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng từ 11% lên 13,1%/năm, tăng thu nhập từ 10,2 triệu lên 29,2 triệu/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,64%, vì thế xã đã đạt được 16/19 tiêu chí. Bên cạnh đó, xã Định An cũng đạt được 12/19 tiêu chí và lộ trình hoàn thành Chương trình vào cuối năm 2015.
 
Tại các buổi làm việc, ông Danh Thiên, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao đã nêu lên một số khó khăn còn vướng mắc như: Chương trình xây dựng NTM còn mới, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng NTM, nhất là cấp xã, công tác tập huấn mới dừng lại ở cách thức xây dựng đề cương mà thiếu chuyên sâu; Các xã thuộc Chương trình đều xuất phát từ Chương trình 135, người dân còn nghèo, khó vận động nguồn lực đầu tư; Nguồn ngân sách đầu tư cho Chương trình còn hạn hẹp; Một số tiêu chí đạt nhưng còn ở mức tối thiểu, chất lượng chưa cao, chưa bảo đảm tính bền vững; Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp…
 
Chiều ngày 07/05, Đoàn Công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang và nghe báo cáo của đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh về những kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Tỉnh Kiên Giang đã chọn ra 35 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015. Thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về NTM, hầu hết các xã đều tăng từ 1- 5 tiêu chí, riêng xã Định Hòa được Trung ương chọn thí điểm đã tăng 14 tiêu chí. UBND tỉnh đã có quyết định công nhận hai xã Tân Hiệp A và xã Mỹ Đức đạt chuẩn 19 tiêu chí vào cuối năm 2013.
 
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: “Theo lộ trình, đến cuối năm 2015, tỉnh phấn đấu đạt chuẩn NTM 15/35 xã đã chọn. Do đó,  nguồn vốn cũng có sự ưu tiên cho các xã này. Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, tiêu chí nào dễ thì thực hiện trước và không chạy theo thành tích…”
 
Tại buổi làm việc với địa phương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan nhận định: Các xã thuộc Chương trình từ diện khó khăn đã lần lượt thoát nghèo và trên đà nước rút hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, đây là nỗ lực rất lớn của địa phương và sự chỉ đạo chặt chẽ, có kế hoạch, lộ trình cụ thể của các cấp Đảng uỷ, UBND cùng sự quyết tâm của nhân dân. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm ghi nhận những việc làm ý nghĩa, trách nhiệm của mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào cũng đã triển khai và thực hiện sự chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM một cách triệt để và có hiệu quả, nhất là việc huy động nguồn lực, nguồn vốn và triển khai thực hiện Chương trình.
 
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan chia sẻ những khó khăn nhất định mà địa phương còn gặp phải. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm cũng lưu ý một số vấn đề mà địa phương cần quan tâm như: Việc thoát nghèo của các xã chưa bền vững, có khả năng tái nghèo cao, từ đó dẫn đến không duy trì được những tiêu chí đã đạt được; Các địa phương phải tạo cho mình một “điểm nhấn” về mô hình sản xuất kinh tế, làng nghề truyền thống, cũng như xây dựng chiến lược giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Các địa phương đều có số đồng bào DTTS đông chiếm trên 60% tổng số dân của xã, vì thế việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng là rất cần thiết, qua đó kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động đồng bào chung tay xây dựng NTM. Bên cạnh việc triển khai Chương trình MTQG thì địa phương cần quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào sản xuất, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây cũng là yếu tố cơ bản để địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG về xây dựng NTM trong thời gian sớm nhất.

Như Tâm