Khó khăn đào tạo nghề cho lao động miền núi

03:11 AM 09/06/2014 |   Lượt xem: 1668 |   In bài viết | 
Với kinh phí hơn 30 tỷ đồng của Chương trình 30a, từ năm 2010 đến nay, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện với quy mô 8 phòng học, hai dãy nhà xưởng phục vụ thực hành, khu nhà bán trú và khu hiệu bộ. Tuy đầu tư khá bài bản, song Trung tâm hoạt động không hiệu quả, không thu hút được nhiều học viên, mỗi năm chỉ tổ chức vỏn vẹn 2 - 3 lớp dạy nghề.
 
 Ông Phạm Văn Công - Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà cho biết, chỉ có số ít thanh niên ở thị trấn Di Lăng và xã gần trung tâm đăng ký theo học; còn những vùng cách xa trung tâm thì học viên ít tham gia, do ngại phải đi xa và vẫn còn tập quán gắn với nương rẫy. Để phát huy hiệu quả công tác dạy nghề cho đồng bào, cán bộ trung tâm phải trực tiếp xuống tận cơ sở để mở lớp dạy nghề lưu động. Trong năm 2013, ngoài 3 lớp dạy nghề mở tại trung tâm, 11 lớp còn lại, Trung tâm phải tổ chức lưu động tại các xã, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp như trồng nấm, thú y, trồng rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm...
 
 Trên thực tế, khó khăn lớn nhất của Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà là việc tuyển sinh. Đa số đồng bào thiểu số còn mơ hồ về ngành nghề và không biết lựa chọn ngành nào cho phù hợp, bên cạnh đó, nhiều đồng bào cho rằng có học nghề xong cũng sẽ không có việc làm, nên rất khó vận động đồng bào tham gia học nghề. “Mình phải bám bản nhiều lần để tuyên truyền, giải thích thì họ mới hiểu dần và tham gia, nhưng con số học viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay”, anh Lưu Công Nhân, cán bộ quản lý Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà cho biết.
 
 Trung tâm dạy nghề tại huyện Trà Bồng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đưa vào sử dụng từ tháng 9/2013, với kinh phí xây dựng hơn 32 tỷ đồng (Tổng công ty Lương thực miền Nam tài trợ); quy mô gồm 11 phòng dạy lý thuyết, 4 nhà xưởng thực hành và một khu nội trú phục vụ chỗ ở cho khoảng 250 học viên. Tưởng chừng việc đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản sẽ thu hút lao động vùng cao, thế nhưng trong năm 2013, trung tâm cũng chỉ tổ chức được 6 lớp dạy nghề và phải mở 14 lớp lưu động, một con số khá khiêm tốn.
 
 Về vấn đề này, bà Cù Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Phần lớn lao động đào tạo tại các trung tâm dạy nghề là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ còn thấp, nên việc tiếp cận các ngành nghề rất khó khăn, dẫn đến tay nghề thấp, khó tìm được việc làm phù hợp khi ra trường. Hơn nữa, họ đã quen sống với nương rẫy nên rất khó xây dựng một tác phong công nghiệp để vào làm trong các công ty, nhà máy.
 
 Đào tạo nghề đã khó nhưng để học viên sống được với nghề còn khó hơn gấp bội. Vì vậy, muốn phát huy hiệu quả và tránh lãng phí tiền của Nhà nước, đòi hỏi các trung tâm dạy nghề phải có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và phải đào tạo ngành nghề theo đúng nhu cầu xã hội... để học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Có như vậy, chủ trương mới tới được đông đảo bà con, thu hút họ đến với trung tâm một cách tự nguyện.

Bài và ảnh: Lê Phước Như Ngọc (Nguồn: baotintuc.vn)