Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa thẻ căn cước công dân và hộ tịch

09:01 AM 10/06/2014 |   Lượt xem: 2277 |   In bài viết | 

 Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Căn cước công dân, Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.
 
 Một điểm mới quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành là dự thảo Luật quy định, cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) cho công dân dưới 15 tuổi, thay vì thời điểm công dân đủ 14 tuổi (tương tự thời điểm làm chứng minh thư nhân dân hiện nay) như đề xuất trước đó, nhằm bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. 
 
 Tán thành với quy định cấp thẻ CCCD cho trẻ em ngay từ khi sinh ra nhằm bảo đảm quyền con người, tuy nhiên, đại biểu (ĐB): Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh) và một số ĐB khác cho rằng, cần quy định trẻ sinh ra bao nhiêu ngày thì được cấp thẻ.
 Trong khi đó, ĐB Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) lại cho rằng, Luật Hộ tịch cũng quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ em từ khi sinh ra, "như vậy là trùng, cần phải nhập lại là một, giảm bớt được phiền hà trong quản lý công dân”, ĐB Trịnh Xuyên nói.
 
 ĐB Trịnh Xuyên cũng cho rằng, số định danh cá nhân được tích hợp trong thẻ CCCD đã được nâng từ 9 số lên 12 số, tuy nhiên, ĐB bày tỏ băn khoăn, 12 số này nếu tính khoa học thì liệu có đảm bảo về lâu dài mấy chục năm đến 100 năm nữa không? Vì công dân chỉ có 1 mã số suốt cả cuộc đời. “Cần tính toán mở rộng để bảo đảm tính lâu dài, ổn đinh, tránh sự tốn kém”, ĐB Trịnh Xuyên đề xuất.
 
 ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Thẻ CCCD phải có ảnh nhận dạng, mà trẻ mới sinh cấp CCCD nhận dạng vẫn chưa rõ, vì vậy, quy định này là không hợp lý, nên để đến 14 tuổi mới cấp.
 
 Nêu quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định được cấp chứng minh nhân dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 3, dự thảo Luật Căn cước công dân, căn cước công dân là “các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác”. Tuy nhiên, mô tả thẻ căn cước là phải có ảnh, nhưng trẻ con thì nhận dạng chưa ổn định, mà nếu cấp thẻ CCCD cho trẻ mới sinh không có ảnh cũng không ổn. Do đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: Việc cấp Thẻ CCCD cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm “căn cước” trong dự thảo Luật. Đồng thời, với độ tuổi từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định. Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam, từ đủ 14 tuổi là độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự, do vậy, cấp Thẻ CCCD cho người từ đủ 14 tuổi trở lên như cấp giấy chứng minh thư nhân dân hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
 
 Theo ĐB Trương Hòa Bình (Long An) - Chánh án TAND Tối cao, việc tích hợp nhiều thông tin trên Thẻ CCCD, tiến tới lược bỏ một số giấy tờ hành chính cũng phải được quy định chặt chẽ. Trong đó, phải làm rõ những giấy tờ như: Hộ khẩu, khai sinh... đã được tích hợp trong thẻ CCCD không có nghĩa là bỏ hẳn, mà những thông tin này tồn tại dưới dạng điện tử và trong những điều kiện cần thiết vẫn có thể được sao in dễ dàng.
 
 Đặc biệt, một số ĐB Quốc hội băn khoăn về thời hạn áp dụng Luật CCCD. 
 
 ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ sự lo ngại khi báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cho thấy: Hàng triệu hồ sơ chứng minh nhân dân không có hồ sơ gốc, hơn 400 ngàn sai họ tên, dữ liệu cho thấy công tác quản lý thời gian qua có nhiều sai sót. Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị không nên vội vã áp dụng từ 1/1/2015, vì chưa bảo đảm đủ hạ tầng cơ sở mà chờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn chỉnh thì mới đưa Thẻ CCCD vào sử dụng.
 
 ĐB Lê Đông Phong (TP. Hồ Chí Minh) - Phó Giám đốc Sở Công an TP cho rằng: CCCD liên quan mật thiết đến Luật Hộ tịch, vì đều có những thông tin về nhân thân, công dân. “Ban hành Luật Hộ tịch là cần thiết, nhưng cần giải thích rõ mối liên hệ giữa hai Luật này, loại bỏ những trùng lắp để tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như công dân. Cần tính toán để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để tích hợp được thông tin cả về thẻ căn cước và hộ tịch, tránh tình trạng mỗi bên một dự án riêng rồi không tích hợp được. Chính phủ phải thuyết trình rất rõ về vấn đề này”, ĐB Lê Đông Phong kiến nghị.
 
 Ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa ( TP. Hồ Chí Minh) đề xuất: Ở phạm vi rộng hơn, trong số thông tin đã luật hóa cần làm rõ có những thông tin nào được phép cung cấp, đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý dữ liệu công dân.../.
  
 Cấp chứng minh nhân dân 12 số: Quá lãng phí
 
 Tại buổi thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân của tổ TP.Hồ Chí Minh sáng 9.6, ông Đỗ Văn Cương - đại diện Vụ pháp chế (Bộ Công an) đã báo cáo thêm về tình hình cấp đổi CMND 12 số thay cho loại 9 số hiện nay. Theo đó, 12 số trên CMND mới cũng chính là mã số định cá nhân trong thẻ căn cước công dân sau này. Thẻ được làm kỹ thuật cao, không thể làm giả, không thể thay thế. “Sau một thời gian thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Bộ Công an đã mở rộng tại 5 tỉnh, thành khác”, ông Đỗ Văn Cương nói.
 
 Các ĐB: Trần Du Lịch, Đỗ Văn Đương và một số ĐB khác đều bức xúc nêu câu hỏi: Tại sao lại thí điểm trong khi Quốc hội bàn Luật CCCD rồi thì Bộ Công an còn triển khai thí điểm cấp CMND 12 số. Theo đó, cho rằng nếu Luật được thông qua thì dự kiến 1/1/2015 hoặc chậm nhất 1/1/2016 đã áp dụng thẻ CCCD. Lúc đó, CMND có thời hạn 15 năm sẽ được thay thế bằng thẻ CCCD, như vậy, không những lãng phí mà còn gây ảnh hưởng đến giao dịch bình thường của người dân.
 
 “Tôi thấy dường như Bộ Công An và Bộ Tư pháp không có sự nhất trí và ở đây, rõ ràng đang có một sự lãng phí lớn. Tại sao không chờ đến năm 2016 rồi làm luôn” - ĐB Trần Du Lịch nêu quan điểm.
 
 Từ bức xúc của các ĐB, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị đại diện Bộ Công an ghi nhận ý kiến và báo cáo với Ban soạn thảo Dự án Luật này./. 

Thu Hằng (Nguồn: CPV)