Tín hiệu vui từ làng dệt thổ cẩm Đhrôồng

05:07 AM 19/06/2014 |   Lượt xem: 1562 |   In bài viết | 

 Xây dựng thương hiệu

Những năm qua, làng du lịch cộng đồng thôn Đhrôồng đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế. Phòng Kinh tế huyện Đông Giang (Quảng Nam) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức. Qua các đợt tập huấn, các thành viên tổ hợp tác được hướng dẫn cách tạo mẫu mã sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, giới thiệu ẩm thực địa phương, đến trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống phục vụ du khách.

Theo ông Phạm Cườm, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Đông Giang cho biết: Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng chính thức hoạt động từ tháng 6/2013. Khi Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng chính thức hoạt động, các thành viên tổ hợp tác đã có sự hưởng lợi nhất định từ những dự án. Sản phẩm du lịch đã có, việc cấp thiết là đăng ký thương hiệu tập thể cho 6 nhóm sản phẩm dệt thổ cẩm tại làng nghề. Dự kiến, cuối năm 2014, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ có quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể với địa danh “DHROONG” theo đúng quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ. Khi đó, Phòng Kinh tế sẽ hướng dẫn bà con cách thức quản lý nhãn hiệu tập thể sẽ giúp bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm dệt Cơ Tu tại Đông Giang, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tránh tình trạng hàng nhái gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu. Theo đó, Đhrôồng nằm trong danh mục làng nghề được ưu tiên đầu tư của tỉnh và là làng nghề thuộc định hướng phát triển du lịch. Bên cạnh đăng ký nhãn hiệu tập thể, Đhrôồng đang nỗ lực để được công nhận làng nghề truyền thống Quốc gia.

Đa dạng sản phẩm

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại làng nghề này đang thu hút sự tham gia của 18 thành viên là phụ nữ Cơ Tu trong làng. Từ kinh nghiệm dệt truyền thống cộng với việc nâng cao tay nghề qua các đợt tập huấn, Tổ hợp tác có thể tạo ra hơn 20 loại sản phẩm dệt với đầy đủ hoa văn, màu sắc, đường nét, kích thước. Chị Pơling thị Treng - Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng cho biết: Sau một thời gian ngắn, sản phẩm do những người thợ dệt Cơ Tu Đhrôồng làm ra đã được khách hàng đặt mua, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đơn đặt hàng ngày một nhiều thêm, làng dệt thổ cẩm nơi núi rừng Trường Sơn nay trở nên nhộn nhịp như một xưởng thủ công đã tạo được công ăn việc làm cho 18 chị em phụ nữ trong thôn với mức lương trung bình từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng, cao nhất là 700.000 đồng/tháng. Các sản phẩm của nhóm dệt Cơ Tu ở thôn Đhrôồng bắt đầu được biết đến tại các hội chợ, triển lãm ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Tổ hợp của chúng tôi bắt đầu được một vài cơ sở bán hàng lưu niệm tại Hội An, Đà Nẵng đón nhận. Một vài chủ Shop Hội An, Đà Nẵng tự thiết kế mẫu mã, yêu cầu chúng tôi làm theo mẫu sẵn có. Một đơn đặt hàng thì chọn mẫu mã từ catalogue.

Được biết, một nhà trưng bày sản phẩm Đhrôồng được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ xây dựng với tổng giá trị 100 triệu đồng là nơi chị em tham gia dệt tại chỗ và cũng là nơi trình diễn sản phẩm du lịch cộng đồng. Tại đây, có sẵn nhiều gian trưng bày và có cả catalogue, khách có thể lựa chọn sản phẩm ưng ý, vừa túi tiền với giá trị dao động 70 - 450 nghìn đồng/sản phẩm. Gian hàng lưu niệm với đủ loại sản phẩm như nịt, giày dép, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, ví nam/nữ, khăn trải bàn lớn nhỏ, túi xách… đều được niêm yết giá. Ngoài dệt thủ công, chị em còn có thể tạo ra sản phẩm may theo yêu cầu nhờ được trang bị 8 máy may gần 20 triệu đồng. Tiền thu được từ bán hàng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, các chị chia đều nhau. Điều mong ước của chị em trong Tổ hợp là nghề thổ cẩm phát triển gắn với du lịch, phải làm sao phải mở được các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm truyền thống này tại các đô thị lớn. Việc này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đưa Đhrôồng thành điểm du lịch nằm trong các tour du lịch trên miền núi phía tây Quảng Nam. Lúc đó, sản phẩm dệt của Tổ hợp Đhrôồng sẽ trở thành hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa của người Cơ Tu, sẽ đứng vững và vươn ra thị trường…

Nguyễn Văn Sơn (Nguồn: baocongthuong)